
(Ảnh: Bangkok Post)
Cuộc biểu tình được đánh giá là có quy mô lớn nhất kể từ khi đảng Pheu Thai lên nắm quyền vào năm 2023, và cũng là lần đầu tiên chính phủ thứ ba của gia tộc Shinawatra đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội như vậy.
Phong trào mang tên "Sức mạnh đất nước bảo vệ chủ quyền" (Ruam Palang Paendin Pokpong Athipatai) là lực lượng chủ trì cuộc tuần hành chiều 28/6 tại thủ đô Bangkok.
Theo Thiếu tướng Cảnh sát Thawat Wongsanga - Phó Cục trưởng Cảnh sát Đô thị Bangkok, số người biểu tình được ước tính khoảng 6.000 người vào lúc 15h30, dựa trên hình ảnh từ máy bay không người lái. Ông cho biết lực lượng chức năng dự đoán đám đông có thể vượt mốc 10.000 người vào buổi tối nay.
Nguyên nhân khiến dư luận Thái Lan nổi giận là vụ rò rỉ đoạn ghi âm cuộc điện thoại được cho là giữa Thủ tướng Paetongtarn và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, trong đó có nội dung gây tranh cãi liên quan đến cách chính phủ Thái Lan xử lý căng thẳng biên giới với Campuchia. Nhiều người biểu tình cho rằng, bà Paetongtarn đã để lộ các thông tin nhạy cảm, thể hiện sự yếu kém trong quản lý vấn đề chủ quyền lãnh thổ, khiến hình ảnh đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

(Ảnh: AFP)
Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Thái Lan và Campuchia đang gia tăng, đặc biệt sau những tranh chấp quanh khu vực đền cổ Preah Vihear. Một số nhóm dân tộc chủ nghĩa tại Thái Lan đã lên tiếng chỉ trích chính phủ "thiếu cứng rắn" và "thỏa hiệp với Phnom Penh".
Hiện chính quyền Bangkok chưa đưa ra phản hồi chính thức về nội dung đoạn ghi âm bị rò rỉ, tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vụ việc đang gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Thủ tướng Paetongtarn, người vừa mới lên nắm quyền chưa đầy một năm và được xem là người kế tục sự nghiệp chính trị của gia đình Shinawatra.
Chính phủ Thái Lan đang đứng trước sức ép lớn, không chỉ từ các nhóm đối lập mà cả trong nội bộ chính giới, khi một số nghị sĩ trong đảng Pheu Thai cũng kêu gọi xem xét lại vai trò lãnh đạo của bà Paetongtarn nếu vụ việc không được làm rõ.
Đây là một bước ngoặt mới trong cục diện chính trị Thái Lan, vốn đã nhiều năm bất ổn kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Với hàng nghìn người xuống đường và làn sóng bất mãn lan rộng, nhiều nhà quan sát cho rằng một cuộc khủng hoảng chính trị mới đang dần hình thành ở quốc gia Đông Nam Á này.
Phản ứng của Thủ tướng Paetongtarn giữa làn sóng biểu tình và khủng hoảng chính trị
Trong khi hàng nghìn người biểu tình tập trung tại Bangkok, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang có mặt tại tỉnh Chiang Rai để kiểm tra công tác ứng phó với tình hình lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực miền Bắc. Phát biểu trước báo giới, bà cho biết đã chỉ thị các cơ quan an ninh giám sát chặt chẽ diễn biến của cuộc biểu tình tại thủ đô.
"Biểu tình là quyền chính đáng của người dân, và cá nhân tôi không có ý định đáp trả gì", bà Paetongtarn nói, đồng thời cho biết sẵn sàng đối thoại với người biểu tình nếu họ mong muốn tổ chức thảo luận trong tinh thần hòa bình.
Tuy nhiên, tình thế chính trị của bà đang trở nên ngày càng mong manh, khi một nhóm thượng nghị sĩ đệ đơn yêu cầu Tòa án Hiến pháp và Ủy ban chống tham nhũng quốc gia vào cuộc điều tra liên quan đến cuộc điện thoại bị rò rỉ giữa bà và cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Nếu bị kết luận có sai phạm, bà có thể đối mặt với nguy cơ bị đình chỉ chức vụ trong thời gian chờ xét xử.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra thị sát khu vực biên giới tranh chấp với Campuchia, ngày 20/6/2025. (Ảnh: AFP)
Tòa án Hiến pháp dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới để xem xét đơn kiến nghị, một bước đi có thể mở ra khả năng tạm đình chỉ tư cách Thủ tướng của bà Paetongtarn, tương tự những gì từng xảy ra với nhiều lãnh đạo Thái Lan trước đây. Người tiền nhiệm của bà, ông Srettha Thavisin, từng bị Tòa án Hiến pháp buộc phải rời ghế Thủ tướng vì vi phạm chuẩn mực đạo đức. Hai chính phủ trước đó của gia đình Shinawatra cũng đều bị lật đổ sau các cuộc đảo chính quân sự.
Mặc dù bác bỏ mọi lời kêu gọi từ chức, bà Paetongtarn - ở tuổi 38, là người trẻ nhất từng giữ cương vị Thủ tướng Thái Lan - đang đối mặt với cơn sóng ngầm chính trị ngày một dâng cao. Sự rút lui mới đây của đảng Bhumjaithai - lực lượng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền - đã khiến liên minh chỉ còn khoảng 255 ghế trong tổng số 495 ghế tại quốc hội. Mặc dù chính phủ vẫn nhận được sự ủng hộ từ một số đảng nhỏ, nhưng sự bất ổn nội bộ và sức ép từ cả dư luận lẫn các đối thủ chính trị đang đặt bà vào thế khó.

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang có mặt tại tỉnh Chiang Rai để kiểm tra công tác ứng phó với tình hình lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực miền Bắc. (Ảnh: AFP)
Trong bối cảnh vừa phải xử lý hậu quả thiên tai, vừa đối phó với khủng hoảng chính trị và nguy cơ bị tước quyền lãnh đạo, Thủ tướng Paetongtarn đang bước vào giai đoạn cam go nhất kể từ khi nhậm chức - một thử thách lớn đối với người kế nhiệm trẻ tuổi trong dòng tộc Shinawatra đầy ảnh hưởng tại Thái Lan.
Bình luận (0)