
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn gặp Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen nhân kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao Thái Lan - Campuchia. (Ảnh: The Nation)
Theo báo Khmer Times đưa tin, phát biểu trước một nhóm người dân Campuchia phải sơ tán do căng thẳng biên giới tại tỉnh Preah Vihear mới đây, ông Hun Sen - cựu Thủ tướng và hiện là Chủ tịch Thượng viện Campuchia - có phần thể hiện sự không hài lòng với gia đình ông Thaksin Shinawatra - những người từng được ông ủng hộ trong quá khứ.
"Tôi từng giúp đỡ gia đình ông Thaksin, nhưng đáp lại là sự phản bội", ông Hun Sen tuyên bố.
Trong bài phát biểu có phần đầy cảm xúc, ông Hun Sen cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng chính trị tại Bangkok đang lan sang khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.
"Xung đột chính trị tại Bangkok giờ đây đã lan tới biên giới Campuchia - Thái Lan. Campuchia không mù quáng đến mức không biết chuyện gì đang diễn ra", ông Hun Sen nói, nhấn mạnh rằng Phnom Penh theo dõi sát tình hình nội bộ Thái Lan và không chấp nhận bị "lợi dụng" như một quân cờ chính trị.
Trong một tuyên bố cứng rắn, ông Hun Sen cảnh báo sẽ tiết lộ toàn bộ những điều gia đình ông Thaksin từng nói riêng với ông nếu họ tiếp tục làm tổn hại mối quan hệ song phương.
"Nếu các vị còn tiếp tục chọc giận tôi, tôi sẽ công bố tất cả những gì các vị từng nói với tôi, kể cả những lời xúc phạm Hoàng gia Thái Lan", ông Hun Sen nói.
Phát biểu này lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt, bởi bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến việc xúc phạm Hoàng gia Thái Lan đều có thể gây chấn động nghiêm trọng về chính trị và pháp lý tại xứ sở Chùa Vàng, nơi luật "khi quân" (lese-majeste) được áp dụng nghiêm ngặt.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen trong chuyến thị sát biên giới giáp Thái Lan hôm 26/6/2025. (Ảnh: AFP)
"Không phải tôi nợ ân tình, mà chính các vị mới nợ tôi"
Đáp lại việc bị chỉ trích vì sự cố rò rỉ cuộc trao đổi điện thoại với Thủ tướng Paetongtarn gần đây, ông Hun Sen tuyên bố mình không có bất kỳ món nợ ân nghĩa nào với gia đình ông Thaksin.
"Tôi không nợ gia đình các vị điều gì. Chính các vị mới là người mắc nợ tôi. Tôi không đòi trả ơn. Điều tôi mong muốn là một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau", ông Hun Sen phát biểu.
Trong khi đó tờ báo hàng đầu Thái Lan The Nation cũng đăng tải một bài báo vào ngày 27/6, cho biết hôm nay, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã phát trực tiếp trên Facebook chỉ một ngày sau khi cảnh báo rằng ông sẽ "vạch trần" cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra.
Phát biểu bằng tiếng Khmer, ông Hun Sen đã đưa ra một thông điệp cứng rắn, đe dọa tiết lộ thông tin gây tổn hại về gia đình Shinawatra.
"Đã đến lúc", ông Hun Sen nói. "Họ đã phản bội tôi. Hôm nay, tôi sẽ nói về 8 điểm".
"Tôi đã ghi âm cuộc trò chuyện đó (cuộc điện đàm với Thủ tướng Paetongtarn) vì tôi đã từng bị phản bội trước đây", ông Hun Sen tuyên bố, biện minh cho việc rò rỉ.
Điểm thứ hai của ông Hun Sen đề cập đến là lời cáo buộc Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã lừa dối ông. Ông tiếp tục chỉ trích: "Vào ngày 14/6, ông Thaksin đã tấn công tôi trực tuyến. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan lại không tôn trọng quân đội và chế độ quân chủ của chính mình. Tôi sẽ tiết lộ sự thật ngày hôm nay".
"Ông có thể xúc phạm quân đội và Quốc vương của chính mình, nhưng ông không thể làm như vậy với tôi. Điều đó sẽ không hiệu quả", ông Hun Sen nói.
Ông Hun Sen đồng thời bác bỏ mọi ý kiến cho rằng bản ghi âm của ông là bất hợp pháp: "Không có luật nào cấm tôi ghi âm các cuộc trò chuyện. Tại sao Thủ tướng Thái Lan lại sợ một đoạn ghi âm bị rò rỉ?".
Ông kết thúc bài phát biểu của mình bằng sự thách thức: "Nếu họ muốn đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế, cứ việc. Tôi đang ở Campuchia. Tôi không quan tâm".
Ông Hun Sen khẳng định rằng Campuchia đã kiên nhẫn vì lợi ích của quan hệ song phương, đồng thời ám chỉ rằng Thái Lan hậu thuẫn cho các nhóm tội phạm hoạt động dọc biên giới với Myanmar và Lào.
Sau đó, ông Hun Sen cáo buộc chính quyền Thái Lan cắt quyền truy cập internet và sau đó xin lỗi vì điều đó, chỉ để đổ lỗi.
Giải quyết vấn đề lừa đảo trực tuyến, ông Hun Sen kêu gọi nỗ lực chung để xóa bỏ tội phạm kỹ thuật số, bao gồm lệnh cấm hoàn toàn cờ bạc trực tuyến và kiểm soát internet chặt chẽ hơn.
Ông Thaksin và chính phủ Thái Lan hiện chưa bình luận về các tuyên bố của ông Hun Sen.

Ông Thaksin và con gái - Thủ tướng Thái Lan đương nhiệm - Paetongtarn Shinawatra. (Ảnh: AP)
Quan hệ Campuchia - Thái Lan có nguy cơ leo thang
Tuyên bố gây sốc của ông Hun Sen diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á vẫn đang âm ỉ gia tăng tại khu vực biên giới Preah Vihear- nơi từng xảy ra tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm qua, đặc biệt là sau vụ đụng độ vũ trang hôm 28/5 khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng.
Dù hiện tại hai chính phủ đều tránh đối đầu công khai, nhưng các phát ngôn công khai như trên từ một chính trị gia kỳ cựu và quyền lực như ông Hun Sen có thể làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt khi có nguy cơ lôi kéo Hoàng gia Thái Lan vào vòng xoáy căng thẳng.
Giới quan sát khu vực cảnh báo rằng nếu những cáo buộc về lời nói xúc phạm Quốc vương Thái Lan, bị công bố hoặc lan truyền, có thể là "giọt nước tràn ly" dẫn tới khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng.
Ngày 23/6, quân đội Thái Lan đã ra lệnh đóng cửa các biên giới giữa nước này với Campuchia, chỉ cho phép các trường hợp nhân đạo qua lại.
Trước đó vào hôm 22/6, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn 2 cửa khẩu biên giới với Thái Lan, nhằm đáp trả việc quân đội Thái nhiều lần đơn phương đóng cửa biên giới giữa hai nước.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia của Thái Lan hôm 23/6 nhất trí bắt đầu cuộc điều tra sơ bộ về đạo đức của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sau khi đoạn ghi âm cuộc điện đàm giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen bị rò rỉ, theo The Nation.
Bình luận (0)