
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra thị sát khu vực biên giới tranh chấp với Campuchia, ngày 20/6/2025. (Ảnh: AFP)
Động thái này diễn ra trong thời điểm đầy nhạy cảm, khi chính phủ Thái Lan đang đối mặt với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau khi cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen bị rò rỉ.
Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á bùng phát vào cuối tháng 5, sau một vụ đụng độ giữa binh sĩ hai nước tại khu vực biên giới tranh chấp, khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng. Vụ việc nhanh chóng kéo theo hàng loạt biện pháp đáp trả mang tính leo thang: Campuchia tuyên bố ngừng toàn bộ nhập khẩu nhiên liệu và khí đốt từ Thái Lan, trong khi phía Bangkok đóng một phần các cửa khẩu dọc biên giới dài hơn 800km.
Tình hình càng phức tạp hơn khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Paetongtarn có dấu hiệu rạn nứt. Nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ đã nổ ra tại thủ đô Bangkok và các thành phố lớn, yêu cầu bà Paetongtarn từ chức.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trong một chuyến thị sát khu vực biên giới tranh chấp với Campuchia. (Ảnh: AFP)
Sáng 26/6, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn đã đến thị trấn Aranyaprathet, tỉnh Sa Kaeo - khu vực biên giới đối diện thành phố Poipet của Campuchia. Tại đây, bà nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân, với những biểu ngữ như "Yêu Thủ tướng Paetongtarn".
Phát biểu trước báo giới ngày 26/6, bà Paetongtarn khẳng định chuyến đi thị sát biên giới nhằm "kiểm tra tác động của chính sách kiểm soát biên giới và đánh giá tình hình tội phạm xuyên quốc gia". Theo bà Paetongtarn, tất cả hoạt động du lịch, vận tải và thương mại qua các cửa khẩu đã bị tạm dừng để phục vụ công tác an ninh.
"Chúng tôi muốn thấy rõ ảnh hưởng từ chính sách hiện tại, và xác định những hỗ trợ cần thiết cho người dân địa phương. Đây là mục tiêu chính của chuyến thăm hôm nay", Thủ tướng Thái Lan nói tại buổi họp với các quan chức.
Cũng trong sáng 26/6, cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia - ông Hun Sen đã thị sát lực lượng quân đội tại tỉnh Oddar Meanchey, giáp biên giới với tỉnh Surin của Thái Lan. Trong đoạn video được truyền thông địa phương công bố, ông Hun Sen mặc quân phục, đáp trực thăng xuống doanh trại và có các cuộc họp với chỉ huy quân đội.
Ông Hun Sen nhấn mạnh với các chỉ huy quân đội rằng phải kiên quyết ứng phó, không được phép do dự hay chùn bước trước bất kỳ mối đe dọa nào, trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan đang gia tăng. Trong khuôn khổ chuyến công tác, ông Hun Sen đã trực tiếp kiểm tra tình hình tại những điểm nóng ở biên giới và động viên các binh sĩ Campuchia đang làm nhiệm vụ tại các vị trí chiến lược.
Dù không còn giữ chức Thủ tướng, ông Hun Sen vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính trường Campuchia, đặc biệt khi con trai ông - Hun Manet - hiện là Thủ tướng đương nhiệm.
Mối quan hệ cá nhân giữa ông Hun Sen và bà Paetongtarn từng được đánh giá là "ấm áp", chủ yếu nhờ mối thân tình giữa ông Hun Sen và cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - cha của bà Paetongtarn. Tuy nhiên, căng thẳng gần đây đang phủ bóng lên mối quan hệ này.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia - ông Hun Sen thị sát lực lượng quân đội tại tỉnh Oddar Meanchey, ngày 26/6/2025. (Ảnh: AFP)
Hiện tại, khủng hoảng chính trị tại Thái Lan tiếp tục bị khoét sâu sau khi cuộc điện đàm giữa bà Paetongtarn và ông Hun Sen bị rò rỉ. Trong đó, Thủ tướng Thái Lan bị cho là đã có lời lẽ chỉ trích một vị tướng cấp cao trong quân đội - điều được coi là "vùng cấm" trong hệ thống chính trị Thái Lan, nơi quân đội vẫn giữ vai trò ảnh hưởng lớn.
Dù bà Paetongtarn đã công khai xin lỗi, nhưng chỉ vài ngày sau, đảng Bhumjaithai - đối tác quan trọng trong liên minh cầm quyền, rút khỏi chính phủ và tuyên bố sẽ thúc đẩy bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Thái Lan và toàn bộ nội các.
Theo hãng tin Reuters, một nhóm thượng nghị sĩ đã đề nghị Tòa án Hiến pháp và Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia điều tra hành vi của Thủ tướng Paetongtarn. Nếu bị kết luận vi phạm, bà Paetongtarn có thể phải đối mặt với việc bị cách chức theo quy định của luật pháp Thái Lan.
Theo giới phân tích, đây được coi là thời điểm mang tính bước ngoặt đối với nữ Thủ tướng trẻ tuổi của Thái Lan. Việc bà duy trì được quyền lực hay không sẽ phụ thuộc không chỉ vào lá phiếu của các nghị sĩ, mà còn vào cách bà xử lý khủng hoảng biên giới với Campuchia - một vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia.
Trong khi người dân hai bên biên giới lo lắng vì hoạt động buôn bán, du lịch và giao thương bị đình trệ, giới quan sát lo ngại tình hình có thể chuyển biến xấu nếu các động thái quân sự tiếp tục leo thang.
Bình luận (0)