Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn thúc đẩy cải tổ nội các giữa khủng hoảng chính trị

An Khê (Theo CNA, The Nation)

23/06/2025 20:41 GMT+7

Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ tiến hành cải tổ nội các trong tuần này, bất chấp làn sóng chỉ trích dữ dội liên quan đến cách xử lý khủng hoảng biên giới với Campuchia.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn (Ảnh: The Nation)

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn (Ảnh: The Nation)

Cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng khiến Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đang phải đối mặt với nguy cơ mất chức trong bối cảnh chính trường chao đảo.

Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á đã leo thang nhanh chóng trong tuần qua, với các biện pháp đáp trả "ăn miếng trả miếng" được cả Bangkok và Phnom Penh triển khai. Mới nhất, Campuchia đã chính thức ngừng toàn bộ nhập khẩu xăng dầu từ Thái Lan kể từ ngày 23/6, trong khi Thái Lan siết chặt kiểm soát biên giới, giao toàn quyền giám sát cửa khẩu cho quân đội và đóng một cửa khẩu vì lý do an ninh.

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ một cuộc điện đàm bị rò rỉ giữa Thủ tướng Paetongtarn và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen - nhân vật có ảnh hưởng chính trị lớn tại Phnom Penh. Trong đoạn ghi âm bị rò rỉ vào tuần trước, bà Paetongtarn bị cho là tỏ ra nhún nhường quá mức khi xưng "cháu - bác" với ông Hun Sen, thậm chí còn chỉ trích một chỉ huy quân đội Thái đang phụ trách khu vực biên giới tranh chấp.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn thúc đẩy cải tổ nội các giữa khủng hoảng chính trị  - Ảnh 1.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra phát biểu trước quân đội trong chuyến thăm Căn cứ tác chiến Morakot của Quân đội Hoàng gia Thái Lan tại tỉnh Ubon Ratchathani vào ngày 20/6/2025. (Ảnh: Chính phủ Hoàng gia Thái Lan/AFP)

Vụ việc gây chấn động dư luận Thái Lan, khiến đảng Bhumjaithai - thành viên lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền - tuyên bố rút khỏi chính phủ chỉ vài giờ sau đó, kéo theo nguy cơ đổ vỡ liên minh và mất thế đa số trong quốc hội.

Trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang trên bờ vực tan rã, chính phủ của đảng Pheu Thai buộc phải xúc tiến cải tổ nội các nhằm tái cơ cấu và phân bổ lại các vị trí mà đảng Bhumjaithai để lại. Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai tuyên bố với báo chí rằng: "Tôi hoàn toàn tự tin rằng sau khi cải tổ nội các hoàn tất trong tuần này, chính phủ sẽ tiếp tục tiến bước mạnh mẽ hơn".

Thủ tướng Paetongtarn cũng đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ cả trong và ngoài nghị trường. Một nhóm thượng nghị sĩ đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp và Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia yêu cầu điều tra hành vi của bà liên quan đến cuộc điện đàm bị rò rỉ. Đồng thời, các nhóm đối lập và phong trào chống chính phủ cũng lên kế hoạch kêu gọi bà từ chức.

Quan hệ Thái Lan - Campuchia đứng bên bờ vực rạn nứt nghiêm trọng

Khủng hoảng biên giới giữa Thái Lan và Campuchia xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm, từng dẫn đến các vụ đụng độ đẫm máu. Gần đây nhất, một binh sĩ Campuchia đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với quân đội Thái Lan hôm 28/5. Trong nỗ lực tránh leo thang xung đột, giới phân tích cho rằng chính phủ Thái Lan từng trông đợi vào mối quan hệ giữa gia đình Shinawatra và gia đình Hun Sen để giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao.

Tuy nhiên, việc ông Hun Sen để lộ đoạn ghi âm được cho là "cú đòn" giáng mạnh vào uy tín của Thủ tướng Paetongtarn, không chỉ làm bùng phát làn sóng phẫn nộ trong nước mà còn khiến quan hệ ngoại giao với Campuchia xấu đi nhanh chóng.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn thúc đẩy cải tổ nội các giữa khủng hoảng chính trị  - Ảnh 2.

Cửa khẩu Chong Sai Taku nằm đối diện với cửa khẩu Choup Koki của Campuchia ngày 22/6/2025. (Ảnh: Surachai Piragsa/Bangkokpost)

Thủ tướng Campuchia Hun Manet - con trai ông Hun Sen - tuyên bố trên Facebook rằng Campuchia đã chủ động dừng nhập khẩu xăng dầu và khí gas từ Thái Lan, đồng thời hạn chế nhập khẩu một số nông sản Thái. Ông khẳng định các công ty năng lượng Campuchia có thể "đa dạng hóa nguồn cung" để đáp ứng nhu cầu trong nước mà không cần đến nguồn từ Thái Lan.

Về phía Thái Lan, nước này đóng vai trò là thị trường xuất khẩu lớn thứ 11 của Campuchia với kim ngạch song phương năm 2024 đạt 10,4 tỷ USD - chủ yếu là đá quý, trang sức và nhiên liệu. Ngoài ra, hơn 500.000 lao động Campuchia đang làm việc tại Thái Lan, điều này cho thấy mức độ ràng buộc sâu sắc giữa hai nền kinh tế.

Tin liên quan

Gia tăng căng thẳng ngoại giao và kinh tế, Campuchia ngừng nhập khẩu nguyên liệu Thái Lan

Gia tăng căng thẳng ngoại giao và kinh tế, Campuchia ngừng nhập khẩu nguyên liệu Thái Lan

Thủ tướng Campuchia Hun Manet tuyên bố ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu nhiên liệu và khí đốt từ Thái Lan bắt đầu từ đêm 22/6.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.