
Luật sư Đăng Ngọc Duệ, Giám đốc Công ty Luật Phụng Sự Công Lý
Sau khi những "hộp rồng, hộp cá" biến thành "tiền treo" và các thủ lĩnh Lucmall lẩn trốn, hàng trăm nạn nhân đang đứng trước câu hỏi lớn: Làm sao để lấy lại số tiền đã mất? Với yếu tố nước ngoài và sự phức tạp của tội phạm công nghệ cao, hành trình tìm lại công lý của họ sẽ không hề dễ dàng. Các luật sư đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về quy trình tố tụng và phân tích khả năng thu hồi tài sản.
Bước đi đầu tiên: Tố giác tội phạm hiệu quả nhất
Theo Luật sư Đăng Ngọc Duệ, Giám đốc Công ty Luật Phụng Sự Công Lý, và Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, bước đi pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất cho các nạn nhân là thực hiện quyền tố giác tội phạm theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Luật sư Đăng Ngọc Duệ, Giám đốc Công ty Luật Phụng Sự Công Lý
Để đạt hiệu quả cao nhất, nạn nhân cần: Soạn thảo Đơn tố giác tội phạm: Trình bày rõ ràng, đầy đủ thông tin cá nhân, diễn biến sự việc, số tiền đã chuyển và thiệt hại. Nếu nhiều người bị hại, nên làm đơn tố giác tập thể.
Hệ thống hóa chứng cứ: Thu thập tất cả các bằng chứng có được như sao kê ngân hàng, biên lai chuyển tiền, hợp đồng (nếu có), tin nhắn/email, ghi âm cuộc gọi, ảnh chụp màn hình giao dịch với người môi giới, ghi hình các buổi đào tạo qua Zoom, ảnh chụp sản phẩm "hộp hàng" nhận được và giá trị thực tế của chúng.
Gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền: Ưu tiên nộp đơn tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) của Công an cấp tỉnh hoặc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, đặc biệt khi vụ việc liên quan đến công nghệ cao và có nhiều nạn nhân trên nhiều địa bàn.
Chủ động cung cấp thông tin và đề nghị ngăn chặn tài sản: Cung cấp sớm cho cơ quan công an các thông tin liên quan đến tài sản của người phạm tội để ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản – một trong những hành động cần thiết để thu hồi tài sản đã mất.
2. Thu hồi tài sản: Khó khăn và quy trình pháp lý
"Quan trọng nhất của việc thu hồi tài sản là đối tượng phạm tội có tài sản để thực hiện trách nhiệm bồi thường hay không," Luật sư Đăng Ngọc Duệ nhấn mạnh. Khả năng thu hồi tài sản còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều tra có kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. "Mỗi một sự chậm trễ có thể dẫn đến việc người phạm tội nhanh chóng tẩu tán tài sản, dẫn đến khả năng thu hồi sẽ rất thấp," Luật sư Duệ cảnh báo.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt
Luật sư Đỗ Hồng Sơn bổ sung các yếu tố quyết định sự thành công:
Tình trạng tài sản của bị can: Nếu tài sản chưa bị tẩu tán, cơ quan điều tra có thể phong tỏa, tịch thu. Nếu tiền đã chuyển ra nước ngoài, khả năng thu hồi thấp hơn và cần phối hợp quốc tế.
Kết quả điều tra: Nếu vụ án được khởi tố hình sự (lừa đảo, rửa tiền), khả năng thu hồi cao hơn do cơ quan nhà nước chủ động truy thu.
Tiến độ tố giác và điều tra: Càng nhanh càng dễ kê biên tài sản trước khi bị tẩu tán.
Bằng chứng rõ ràng: Sao kê ngân hàng, hợp đồng, giao dịch chứng minh dòng tiền.
Khả năng phối hợp quốc tế: Nếu đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài, cần áp dụng các Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc Truy nã đỏ Interpol.
Quy trình pháp lý để thu hồi và phân chia tài sản (nếu có) sẽ diễn ra theo bản án hình sự của Tòa án. Cơ quan Thi hành án dân sự sẽ tổ chức thi hành bản án, xử lý các tài sản bị kê biên, phong tỏa (nếu có) để phân chia cho các bị hại theo tỷ lệ, nếu số tiền tịch thu không đủ.
3. Đe dọa nạn nhân: Hành vi vi phạm pháp luật cần được tố giác
Nhiều nạn nhân bị các đối tượng cầm đầu Lucmall đe dọa, khủng bố tinh thần khi lên tiếng. Luật sư Đăng Ngọc Duệ cho biết, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về Tội "Đe dọa giết người" (Điều 133 BLHS), Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS), Tội vu khống (Điều 156 BLHS), Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo (Điều 166 BLHS) hoặc các tội danh khác.
Nạn nhân cần làm để tự bảo vệ mình:
Thu thập bằng chứng: Ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, video chứng minh hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần của các đối tượng. Làm đơn trình báo gửi cơ quan công an nơi gần nhất về hành vi đe dọa. Yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.
4. Thách thức khi chủ mưu bỏ trốn ra nước ngoài
Đối với các vụ án hình sự có đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mà đang bỏ trốn ra nước ngoài, Việt Nam hiện nay có biện pháp, quy trình để xử lý như sau:
Cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam sẽ khởi tố và ra quyết định truy nã: Sau khi có quyết định khởi tố bị can mà không biết bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra sẽ ban hành quyết định truy nã.
Đề nghị truy nã quốc tế qua Interpol: Nếu đối tượng trốn ra nước ngoài, Bộ Công an Việt Nam có thể gửi hồ sơ đến Interpol (tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế) để phát lệnh truy nã đỏ, cho phép cảnh sát các nước thành viên hỗ trợ bắt giữ.
Yêu cầu dẫn độ (nếu có hiệp định với quốc gia đó): Trong trường hợp có căn cứ xác định nơi trốn của bị can, Việt Nam có thể gửi yêu cầu dẫn độ nếu có hiệp định song phương hoặc đa phương với nước đó. Trong trường hợp không có hiệp định dẫn độ, Việt Nam vẫn có thể gửi yêu cầu dẫn độ, nhưng việc dẫn độ được hay không phụ thuộc vào thiện chí hoặc luật nội địa của quốc gia đó.
Xét xử vắng mặt: Nếu bị can (sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trở thành bị cáo) cố tình bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả, Tòa án có thể xét xử vắng mặt theo Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Luật sư Duệ và Luật sư Sơn đều nhấn mạnh những thách thức lớn nhất trong việc truy tố và dẫn độ tội phạm kinh tế công nghệ cao có yếu tố nước ngoài: xác định nơi lẩn trốn, rào cản pháp lý (luật mỗi nước khác nhau), khó khăn trong thu thập và hợp pháp hóa chứng cứ điện tử từ nước ngoài, truy vết tài sản bị rửa qua nhiều lớp, tính chuyên nghiệp và khả năng che giấu của tội phạm, và hạn chế về nguồn lực/công nghệ điều tra.
"Tỷ lệ thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là quyết tâm chính trị và sự hợp tác hiệu quả, nhanh chóng giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia liên quan," Luật sư Đăng Ngọc Duệ kết luận.
Với sự phức tạp của vụ án và tính chất xuyên quốc gia, các nạn nhân Lucmall sẽ cần sự kiên trì, chủ động thu thập bằng chứng và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để hy vọng giành lại được công bằng.
Ngày 23 tháng 6 năm 2025, sau khi đăng tuyến 5 kỳ về những phản ánh liên quan tới Lucmall, Thời báo VTV đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng để đề nghị phối hợp thông tin và giải đáp nghiệp vụ liên quan đến vụ việc ứng dụng Lucmall (và các biến thể như Manamall).
Bình luận (0)