Bên trong ma trận Lucmall - Kỳ 5: Luật sư chỉ rõ dấu hiệu lừa đảo và rửa tiền tinh vi

Hải Phúc Chí - Thuý Hằng -Dương Duy

23/06/2025 06:00 GMT+7

Hàng loạt tội danh có thể bị truy tố, từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến rửa tiền, phơi bày bản chất Ponzi của ứng dụng thương mại điện tử trá hình này.

Đầu quý II/2025, hàng trăm đơn tố giác đồng loạt nhắm vào ứng dụng Lucmall, với tổng thiệt hại ban đầu lên đến hơn 16 tỷ đồng. Các nạn nhân tố cáo Lucmall đã sử dụng mô hình huy động vốn có nhiều dấu hiệu bất thường, hoạt động tinh vi trong bối cảnh kinh tế số. Vậy, dưới góc độ pháp lý, Lucmall đã có những hành vi vi phạm nào? Các luật sư đã phân tích rõ ràng những dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Mồi câu lợi nhuận khủng và "hộp hàng ảo" - Dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo Luật sư Đăng Ngọc Duệ, Giám đốc Công ty Luật Phụng Sự Công Lý, và Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, nếu mô hình của Lucmall đúng như những gì Thời báo VTV đã phản ánh, mô hình này có dấu hiệu rõ ràng của Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).

Luật sư Duệ nhận định: "Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dùng thủ đoạn gian dối (hộp hàng ảo, không có giá trị nhưng lại cung cấp cho nạn nhân giá trị rất cao) để huy động tiền từ người tham gia, cam kết trả lãi cao không có cơ sở thực tế, sau đó chiếm đoạt tiền."

Bên trong ma trận Lucmall - Kỳ 5: Lucmall có dấu hiệu phạm tội gì? Luật sư chỉ rõ các hành vi lừa đảo và rửa tiền tinh vi - Ảnh 1.

Luật sư Đăng Ngọc Duệ, Giám đốc Công ty Luật Phụng Sự Công Lý

Lucmall đã sử dụng thủ đoạn gian dối khi quảng cáo mức lợi nhuận 1.5%/ngày, tương đương hơn 500%/năm – một con số phi thực tế và không có cơ sở tài chính. Luật sư Sơn nhấn mạnh sự tinh vi của mô hình: "Họ tạo dựng niềm tin thông qua các 'trưởng shop', các buổi Zoom tạo dựng uy tín, hệ thống cấp bậc S1 – S4 đầy hứa hẹn. Họ sẽ cho người tham gia được nhận lãi với 1-2 lần mua hàng đầu, đây là chiêu trò để tạo dựng niềm tin. Những lần nạp tiền tiếp theo với giá trị lớn, người chơi sẽ mất trắng tiền nếu bán ra mà không có người mua lại."

Khi người tham gia nạp tiền để mua "hộp hàng ảo" và hệ thống ngừng thanh khoản, các cá nhân đứng đầu biến mất, khóa tài khoản, chặn liên lạc, trực tiếp dẫn đến việc nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản.

2. "Hộp rồng, hộp cá" giá trên trời và nguy cơ Lừa dối khách hàng

Bên cạnh tội lừa đảo, hành vi tạo ra các "hộp hàng" như "hộp rồng, hộp cá" có giá trị thực rất thấp (vài chục nghìn đồng) nhưng được định giá và mua bán với giá hàng chục triệu đồng cũng là dấu hiệu của Tội Lừa dối khách hàng (Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015).

Bên trong ma trận Lucmall - Kỳ 5: Lucmall có dấu hiệu phạm tội gì? Luật sư chỉ rõ các hành vi lừa đảo và rửa tiền tinh vi - Ảnh 2.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt

Luật sư Đỗ Hồng Sơn phân tích: "Thực chất các sản phẩm này không rõ nguồn gốc, giá trị thực tế chỉ vài chục nghìn đồng như đồng hồ nhựa, túi xách rẻ tiền, son môi. Bản chất của các 'hộp hàng' này là công cụ để hợp thức hóa dòng tiền chuyển giao giữa các thành viên, che giấu mô hình Ponzi."

Hành vi này không chỉ cấu thành tội hình sự mà còn vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, điều chỉnh hành vi cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về hàng hóa, có thể bị xử phạt hành chính.

3. Tiền ảo TLV và "cỗ máy" rửa tiền tinh vi

Một trong những thủ đoạn tài chính tinh vi nhất của Lucmall là việc sử dụng đồng tiền ảo nội bộ "TLV". Người dùng bị buộc phải dùng tiền thật (VNĐ) để mua TLV và sử dụng nó để trả phí giao dịch.

Theo luật sư, đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt, bởi các loại tiền ảo nói chung chưa phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Quan trọng hơn, việc tạo ra và lưu hành đồng tiền ảo không được pháp luật công nhận trong một hệ thống giao dịch lớn như vậy còn có dấu hiệu của hành vi Rửa tiền (Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015).

Luật sư Đỗ Hồng Sơn chỉ rõ: "Đây là dấu hiệu của việc tạo kênh chuyển đổi tiền bất hợp pháp thành tài sản ảo, che giấu nguồn gốc tài sản có được từ hoạt động lừa đảo... Tiền từ người tham gia mới được dùng để trả lãi cho người cũ, đồng thời chi trả hoa hồng cho các cấp 'trưởng shop'. Khi một shop gặp sự cố, nó bị tách ra để cách ly rủi ro, đồng thời che giấu sự thiếu hụt thanh khoản. Hành vi này có thể nhằm tránh bị phát hiện khi cơ quan chức năng điều tra, dòng tiền được phân tán nhiều tầng, làm phức tạp hóa việc truy vết nguồn gốc."

4. Giám đốc "bù nhìn" và chủ mưu nước ngoài: Kế hoạch tẩu tán tài sản?

Việc bà Lý Thị Nhung đứng tên Giám đốc Công ty TNHH Lucmall Việt Nam nhưng chỉ là người được thuê, trong khi ông Feng Kang (quốc tịch Trung Quốc) là "chủ sở hữu thực tế" và "toàn quyền quản lý", cho thấy một cấu trúc được thiết lập nhằm che giấu kẻ chủ mưu và tẩu tán tài sản.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn khẳng định: "Việc này giúp che giấu danh tính kẻ chủ mưu và tẩu tán tài sản ra nước ngoài". Nếu biên bản thỏa thuận giữa bà Nhung và ông Kang có mục đích che giấu hoạt động phạm tội, Tòa án có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Đồng thời, đây là bằng chứng quan trọng để xác định ông Feng Kang là chủ mưu và bà Nhung có thể bị xem là đồng phạm (người giúp sức).

Tóm lại, mô hình của Lucmall không chỉ là một vụ lừa đảo đơn thuần mà còn có dấu hiệu của một tổ chức tội phạm phức tạp, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản và thực hiện hành vi rửa tiền. Các cơ quan chức năng đang tích cực điều tra để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan.

Tin liên quan

Bên trong "ma trận" Lucmall: Kỳ 1 - Mồi câu

Bên trong "ma trận" Lucmall: Kỳ 1 - Mồi câu

VTV.vn - Hàng loạt đơn tố giác từ nhiều tỉnh thành đổ về các cơ quan chức năng cùng nhắm vào ứng dụng Lucmall. Được biết, 169 người báo mất tổng hơn 16 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.