Bên trong "ma trận" Lucmall: Kỳ 3 - Những gương mặt đứng sau thảm kịch

Hải Phúc Chí - Thuý Hằng -Dương Duy

21/06/2025 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ở các kỳ trước, VTV Times đã phân tích "mồi câu" và "cỗ máy" vận hành của Lucmall. Nhưng một cỗ máy không thể tự chạy.

Nguồn tin cho biết, Giám đốc Feng Kang (áo cộc đen giơ ngón tay) và 2 cổ đông người Trung Quốc - Ảnh: NVCC

Nguồn tin cho biết, Giám đốc Feng Kang (áo cộc đen giơ ngón tay) và 2 cổ đông người Trung Quốc - Ảnh: NVCC

Cỗ máy Lucmall được điều hành bởi một hệ thống nhân sự nhiều tầng lớp, với vai trò và chức năng được phân định rõ ràng. Từ những người ở tuyến đầu trực tiếp làm việc với nạn nhân, các thủ lĩnh cấp cao khuấy động giấc mơ làm giàu, cho đến những nhân vật đứng sau bức màn, tất cả đã tạo nên một mạng lưới hoàn chỉnh.

"Trưởng Shop": Lằn ranh mong manh giữa thủ phạm và nạn nhân

Trưởng shop" là mắt xích quan trọng, là những người lính ở tuyến đầu của ma trận Lucmall. Họ vừa là cầu nối trực tiếp giữa hệ thống và những người tham gia, vừa là người đi gieo niềm tin ban đầu qua các buổi họp và những lời cam kết. Tuy nhiên, khi hệ thống gặp trục trặc, vai trò của họ cũng có sự phân hóa rõ rệt, cho thấy một lằn ranh mong manh giữa việc trở thành người tiếp tay và trở thành nạn nhân lớn nhất.

Câu chuyện của bà Lê Thị Châu (Hương Khê, Hà Tĩnh) là một ví dụ điển hình về việc một Trưởng shop có thể hành động để bảo vệ lợi ích của bản thân, đẩy rủi ro xuống cho các thành viên tuyến dưới. Bà Châu cho biết đã hoàn toàn tin tưởng và đi theo người trưởng shop của mình là bà P.T.B. "Khi chị ấy biết tôi là con mồi béo bở, chị ấy dùng mọi chiêu trò. Chị ấy biết tôi mới vay ngân hàng 700 triệu nên nói 'em chơi đi kiếm tháng cả tỉ'," bà Châu kể lại.

Theo lời tố cáo của bà Châu, khi các giao dịch bắt đầu có vấn đề và nguy cơ "treo" hàng hiện hữu, bà B. đã có những hành động gây bất lợi cho bà. "Chị ấy dùng thủ đoạn di chuyển hộp hàng. Hộp của tôi bán ngày hôm trước mà tôi chưa nhận được tiền thì chị ấy lại chuyển tên sang cho người thân của chị ấy, rồi báo tôi còn đơn chưa thanh toán. Một đơn hàng mà tôi phải thanh toán nhiều lần cho nhiều người. Tiền trong tài khoản của tôi cạn dần mà không biết tại vì sao." Khi được bà Châu chất vấn, bà B. được cho là chỉ trả lời "chị nhầm". Bà Châu còn tố cáo bà B. đã đưa các đơn hàng từ những shop khác bị "treo" vào shop của mình, khiến rủi ro thanh khoản dồn lên những người chơi hiện tại.

Tuy nhiên, không phải Trưởng shop nào cũng hành động như vậy. Ở một thái cực khác, có những người đã trở thành nạn nhân nặng nề nhất chính vì quá tin tưởng và cố gắng "có trách nhiệm" với đội nhóm của mình. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Đăng Thìn (sau đây viết tắt là anh Thìn), một cựu "Trưởng shop" cấp S2.

Khi hệ thống bắt đầu có dấu hiệu mất thanh khoản, các "hộp hàng" của thành viên trong shop anh Thìn không thể bán ra được vì không có người mua. Đối mặt với sự hoang mang của các thành viên tuyến dưới, những người đã tin tưởng đi theo mình, anh Thìn đã đưa ra một quyết định sai lầm.

Để giữ vững niềm tin cho cả nhóm và duy trì hoạt động của shop, anh Thìn đã quyết định bỏ tiền túi của chính mình ra để "ôm hàng", tức là anh tự mua lại các "hộp hàng" bị treo của các thành viên. Anh hy vọng rằng đây chỉ là sự cố tạm thời và hệ thống sẽ sớm ổn định trở lại. Thế nhưng, guồng quay sụp đổ ngày càng nhanh. Anh Thìn tiếp tục dùng hết số tiền tiết kiệm của mình để "gồng lỗ", mua lại những món hàng ảo với hy vọng khi tình hình ổn sẽ có người khác mua lại.

Kết cục, khi lòng người hoang mang, không có ai mua vào mà chỉ có người bán ra, anh Thìn là một trong những người thiệt hại nặng nề nhất. Anh không chỉ mất số vốn đầu tư ban đầu mà còn mất toàn bộ số tiền đã bỏ ra để "ôm hàng" cho người khác. Anh đã phải bán đi chiếc ô tô của gia đình để trang trải nợ nần, với tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn 700 triệu đồng.

Hệ thống Lucmall được thiết kế để đẩy áp lực xuống các cấp quản lý trung gian. Các Trưởng shop bị đặt vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc là phải tìm cách bảo vệ lợi ích của mình, thậm chí bằng cách đẩy rủi ro cho người khác như trường hợp bà B.; hoặc là phải đứng ra gánh vác trách nhiệm, trở thành "tấm lá chắn" đúng nghĩa cho đội nhóm như anh Thìn. Dù ở thái cực nào, họ đều là một mắt xích không thể thiếu trong việc duy trì và mở rộng mạng lưới, nhưng cuối cùng, khi con tàu chìm, số phận của họ cũng không thể thoát khỏi bi kịch.

Dàn "Tướng Lĩnh" Chóp Bu: Kẻ Hứa Hẹn và Người Truyền Giáo

Ở cấp cao hơn là các cổ đông S4 - những người đứng đầu các hệ thống lớn nhất. Theo đơn tố giác của các nạn nhân, những cái tên như N.Đ.C., B.C.T., Đ.T.N. (S4), N.T.T.L.... là những người thường xuyên xuất hiện trên các buổi họp Zoom, đóng vai trò truyền cảm hứng và xây dựng niềm tin.

Họ vừa là người đưa ra những lời cam kết sắt đá, vừa là người thể hiện thái độ cứng rắn khi cần. Anh Nguyễn Đăng Thìn kể lại: "Khi mới tham gia, anh cổ đông N.Đ.C. cam kết với tôi, giao dịch trong vòng 1 tuần, mất tiền anh sẽ đền."

Nhưng khi hệ thống sụp đổ, anh Thìn cho biết những lời hứa hẹn hỗ trợ chỉ còn là "nói để kéo dài thời gian". Tệ hơn, khi bị các nạn nhân khác như chị Kim Cúc công khai vạch trần trên mạng xã hội, ông C. bị cáo buộc đã nhắn tin với lời lẽ mang tính cảnh cáo: "em phải ngoan thì anh sẽ có cách gỡ hàng... anh sẽ nhờ pháp luật để trừng trị em."

Bên cạnh những người đóng vai trò "vừa đấm vừa xoa", còn có những thủ lĩnh chuyên về xây dựng hệ tư tưởng. Bà P.T.T.M. (SN 1975), một gương mặt nổi bật, thường xuất hiện với câu chuyện nền đầy sức nặng:


Cha thân sinh của T.M. là một nguyên tướng trong quân đội ạ. Cho nên ông dạy con làm gì thì làm, phải làm tốt cho quốc gia... Xây dựng quốc hiệu Việt Nam ạ."

Bằng cách liên hệ bản thân với quân đội và lòng yêu nước, bà M. đã khéo léo khoác lên cho Lucmall một tấm áo khác. Bà còn tự nhận mình là "cán bộ hỗ trợ chuyển đổi số toàn dân". Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ hoa mỹ, một câu nói của bà M. trong một buổi hội thảo đã vô tình lột tả một góc nhìn khác. Bà kể lại lời khuyên từ người "con trai nuôi" – một chuyên gia công nghệ:

"Và một câu hơi khó nghe của cháu nói là: 'Mẹ ơi, lấy tiền của người chưa hiểu cho vào túi mình đi mẹ'."Câu nói này, được chính bà M. thuật lại, đã cho thấy một triết lý có thể đã tồn tại bên trong Lucmall: một cuộc chuyển giao tài sản từ những người "chưa hiểu" sang túi của những người đi trước.

Hậu trường quyền lực: "Giám đốc đứng tên" và bóng ma ngoại quốc

Vậy ai là người đứng trên cả các S4 này? Trên bề mặt pháp lý, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người chịu trách nhiệm cao nhất cho mọi hoạt động của Công ty TNHH Lucmall Việt Nam là bà Lý Thị Nhung, sinh năm 1995. Một giám đốc trẻ tuổi đứng đầu một hệ thống tài chính có dòng tiền luân chuyển lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày.

Tuy nhiên, một tài liệu quan trọng mà chúng tôi thu thập được - bản chụp "Biên bản thỏa thuận" ký ngày 18/11/2024 - đã hé lộ một sự thật hoàn toàn khác về cấu trúc quyền lực thực sự phía sau. Văn bản này được ký kết giữa Bên A là bà Lý Thị Nhung và Bên B là ông Feng Kang (quốc tịch Trung Quốc). Thỏa thuận ghi rõ bà Nhung được Bên B (ông Feng Kang) thuê để giữ chức danh Giám đốc đại diện theo pháp luật, với một khoản phí dịch vụ cố định mỗi tháng. Trong hợp đồng bỏ trống tiền lương nhưng Nhung kể với chị Kim Cúc rằng mình chỉ được trả 9 triệu đồng 1 tháng và không có quyền thực chất ở công ty này. Như vậy, đây không phải là mối quan hệ hợp tác kinh doanh hay góp vốn, mà là một hợp đồng lao động, trong đó bà Nhung là người làm thuê.

Kỳ 3: Những gương mặt đứng sau thảm kịch - Ảnh 1.

Thỏa thuận khẳng định ông Feng Kang mới là "chủ sở hữu thực tế" của công ty. Đi kèm với đó, ông Kang được trao "toàn quyền quản lý vận hành kinh doanh". Điều này có nghĩa là mọi quyết định chiến lược, từ việc phát triển sản phẩm, chính sách hoa hồng, quản lý dòng tiền, đến việc xử lý khủng hoảng, đều do một mình ông Kang quyết định. Trái ngược với quyền lực của ông Kang, vai trò của bà Nhung chỉ giới hạn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý dựa trên sự chỉ đạo của ông Kang. Bà có nghĩa vụ ký các văn bản, giấy tờ, hợp đồng khi được yêu cầu, nhưng không có quyền tham gia vào việc ra quyết định.

Vì sao bà Nhung được ông Kang thuê làm bù nhìn? Theo chuyên gia, một người đại diện pháp luật quốc tịch Việt Nam là điều kiện bắt buộc để có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp, mở tài khoản ngân hàng, thuê văn phòng và thực hiện các giao dịch tại Việt Nam một cách hợp pháp. Quan trọng hơn, nó giúp che giấu hoàn toàn danh tính của kẻ cầm đầu thực sự. Tên của ông Feng Kang không xuất hiện trên bất kỳ giấy tờ đăng ký kinh doanh công khai nào, biến ông ta thành một "bóng ma", một kẻ vô hình đứng sau giật dây.

Khi hệ thống sụp đổ và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, người đầu tiên bị triệu tập và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chính là người đại diện trên giấy tờ - bà Lý Thị Nhung. Việc này tạo ra một "bộ đệm", một "lá chắn" vững chắc, giúp cho những kẻ chủ mưu có đủ thời gian để tẩu tán tài sản và cao chạy xa bay. Người giám đốc được thuê, từ một người làm công ăn lương, có nguy cơ trở thành "con chốt thí" trong ván cờ đã được định sẵn.

Cấu trúc quyền lực này, kết hợp với lời khai của cựu nhân viên về việc "chỉ làm theo sự chỉ đạo của người Trung Quốc", đã vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh về một tổ chức tội phạm có yếu tố nước ngoài, hoạt động tinh vi và có kế hoạch bài bản để chiếm đoạt tài sản.

Toàn bộ các dữ kiện trên đã phác họa nên một bức tranh về cấu trúc tổ chức và các vai trò điều hành bên trong mạng lưới Lucmall, cho thấy một sự phân tầng phức tạp và sự tách biệt giữa người đại diện pháp lý trên danh nghĩa và các cá nhân được cho là có quyền điều hành thực tế.

Vậy, với một mô hình tổ chức và vận hành như vậy, điều gì đã xảy ra khi hệ thống bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu bất ổn về dòng tiền? Các cấp quản lý đã phản ứng và xử lý các vấn đề phát sinh ra sao? Chuỗi sự kiện sau đó đã diễn ra theo một trình tự như thế nào?

Mời quý vị đón xem kỳ 4: Kịch bản sụp đổ của Lucmall: Từ màn kịch 'nâng cấp' đến cuộc tẩu thoát được báo trước

Tin liên quan

Bên trong "ma trận" Lucmall: Kỳ 1 - Mồi câu

Bên trong "ma trận" Lucmall: Kỳ 1 - Mồi câu

VTV.vn - Hàng loạt đơn tố giác từ nhiều tỉnh thành đổ về các cơ quan chức năng cùng nhắm vào ứng dụng Lucmall. Được biết, 169 người báo mất tổng hơn 16 tỷ đồng.
Từ khóa:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.