Nên hay không nới lỏng mức trần chi phí cho quảng cáo

Diệu Trang

18/04/2013 17:02 GMT+7

 Trước làn sóng quảng cáo ồ ạt của các doanh nghiệp lớn, có nhiều ý kiến cho rằng trước mắt nên nới lỏng quy định mức trần chi phí 10% cho quảng cáo như hiện nay.

Trong lần thảo luận về Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vừa qua tại Quốc hội, một nội dung được cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm là trần chi phí dành cho quảng cáo 10% trên tổng chi phí hợp lệ như hiện tại liệu có được nới lỏng hay không? Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết mức trần chi phí quảng cáo này đang ngăn cản họ quảng bá sản phẩm và giảm cơ hội cạnh tranh.

Công ty dược phẩm Vinh Gia cho biết, một tháng doanh thu của doanh nghiệp này là khoảng 1 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ được chi khoảng 30 triệu đồng/tháng cho việc tiếp thị, quảng bá và số tiền này không đủ để chạy một lần quảng cáo trên truyền hình.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, chính việc khống chế chi phí dành cho quảng cáo không quá 10% tổng chi phí hợp lệ như hiện nay đã gây cản trở không ít cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty dược phẩm Vinh Gia nói: “Các doanh nghiệp nước ngoài không biết chuyển giá kiểu gì, tôi thấy quảng cáo cả ngày trên truyền hình. Sản phẩm của của họ từ người già đến trẻ con ở nước ta đều biết, sức tiêu thụ sản phẩm lại rất lớn. Chúng tôi không có cách gì cạnh tranh được”.

Trước làn sóng quảng cáo ồ ạt của các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đã nhỏ lại sẽ càng thêm yếu. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, về lâu dài nên dỡ bỏ quy định này nhưng trước mắt có thể nới rộng mức trần lên 15% - 20%.

“Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nước ta, các doanh nghiệp lại càng cần phải chi nhiều cho khuyến mại quảng cáo để đẩy mạnh việc bán hàng”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, các chuyên gia cho rằng cũng cần cân nhắc đến áp lực lên nguồn thu ngân sách. Bời vì, nếu tăng mức trần chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp cũng đồng nghĩa doanh thu chịu thuế của doanh nghiệp giảm xuống, thu ngân sách vì thế cũng sẽ giảm theo.

Ông Nguyễn Minh Phong, một chuyên gia kinh tế nói:Thời gian tới, chi phí cho quốc phòng, cho phát triển kinh tế, tái cơ cấu cũng như là hỗ trợ cho doanh nghiệp rất lớn. Vì thế, cân đối ngân sách đang rất căng thẳng. Chúng ta nới lỏng quá mức trần chi phí quảng cáo, sẽ khiến cho doanh thu chịu thuế thu nhập của doanh nghiệp giảm xuống và điều này đồng nghĩa với việc giảm thu rất mạnh nguồn thu ngân sách và khiến cho áp lực về cân đối ngân sách sẽ gia tăng”.

Đồng tình với quan điểm trên, một số chuyên gia khác cũng cho rằng, chưa nên dỡ bỏ ngay trần chi phí quảng cáo để tránh gây sốc cho thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ điều chỉnh từ 10% lên 15% như trong Dự thảo luật sửa đổi sẽ không tạo ra thay đổi đáng kể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.