
Một quân nhân Ukraine giúp đỡ đồng đội trong quá trình sơ tán. (Ảnh: AP)
Kiev: Nga mất hơn 1 triệu binh sĩ
Theo trang Kyiv Independent, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 30/6 thông báo, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự toàn diện vào nước này vào ngày 24/2/2022, lực lượng nước này đã thiệt hại khoảng 1.020.010 binh sĩ tại chiến trường Ukraine.
Chỉ riêng trong vòng 24 giờ qua, Nga được cho là đã mất thêm 1.070 binh sĩ, đánh dấu một trong những ngày có tổn thất nặng nề nhất gần đây, theo bản tin cập nhật hàng ngày của Bộ Tổng tham mưu Ukraine.
Ngoài thiệt hại về nhân lực, báo cáo cũng liệt kê hàng loạt tổn thất về khí tài quân sự của Nga sau hơn hai năm chiến sự: 10.980 xe tăng, 22.922 xe thiết giáp chiến đấu, 53.593 xe quân sự và xe chở nhiên liệu, 29.718 hệ thống pháo, 1.427 bệ phóng tên lửa loạt (MLRS), 1.190 hệ thống phòng không, 420 máy bay chiến đấu, 340 trực thăng, 42.796 máy bay không người lái (UAV), 28 tàu và xuồng chiến đấu, 1 tàu ngầm…

Các quân nhân Nga trong một cuộc duyệt binh. (Ảnh: AP)
Những con số thiệt hại nặng nề này, nếu được xác thực đầy đủ, có thể cho thấy mức độ hao tổn chưa từng có của quân đội Nga trong cuộc chiến kéo dài tại Ukraine. Tuy nhiên, phía Moscow chưa đưa ra phản hồi chính thức nào về báo cáo mới nhất này, và cũng chưa có một cơ quan kiểm chứng độc lập.
Mặc dầu vậy, những thống kê của Ukraine phần lớn trùng khớp với đánh giá của các cơ quan tình báo phương Tây. Hồi tháng 4/2025, một quan chức cấp cao của NATO xác nhận với báo Đức DW rằng Nga đã mất hơn 900.000 quân kể từ đầu cuộc chiến.
Thương vong Ukraine có thể cũng rất lớn
Cả Ukraine và Nga đều không công bố đầy đủ số liệu thương vong của quân đội mình. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng xác nhận hồi tháng 2 rằng trên 46.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, gần 380.000 người bị thương, và hàng chục nghìn người đang mất tích hoặc bị Nga bắt giữ.
Trong khi chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, các con số thống kê cho thấy thiệt hại nặng nề mà cả hai bên đang hứng chịu.

Quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn Cận vệ 101 của Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị bắn pháo lựu D-30 122mm về phía các vị trí của Nga trên tuyến đầu ở khu vực Donetsk, ngày 25/6/2025. (Ảnh: EPA/Shutterstock)
Trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn ác liệt tại nhiều khu vực như Donetsk và Zaporizhzhia, lực lượng Ukraine khẳng định họ tiếp tục duy trì thế chủ động tại một số mặt trận, đặc biệt trong hoạt động phản pháo và tiêu diệt hậu cần đối phương bằng máy bay không người lái.
Giữa lúc giao tranh dữ dội tiếp diễn tại khu vực Pokrovsk, lực lượng Nga ngày 27/6 tuyên bố đã chiếm được làng Shevchenko, nơi có một trong những mỏ lithium lớn nhất châu Âu - tài nguyên được xem là "vàng trắng" của kỷ nguyên năng lượng sạch.
Nếu đúng như Moscow tuyên bố thì đây là mỏ lithium đầu tiên bị Nga kiểm soát kể từ khi Ukraine ký kết các hợp đồng khai thác quốc tế. Trước đó, lực lượng Nga từng giành quyền kiểm soát mỏ Balka Kruta tại Zaporizhzhia, cách Berdiansk khoảng 30 km về phía bắc.
Trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung lithium và pin từ Trung Quốc, việc Ukraine mất quyền kiểm soát hai mỏ lithium lớn đã gây lo ngại sâu sắc. Tờ Le Figaro (Pháp) nhận định, diễn biến này giúp Nga gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực kim loại đất hiếm - vốn đang được phương Tây xem là yếu tố then chốt trong cuộc đua công nghệ xanh.
Cuộc chiến Nga - Ukraine hiện đã bước sang năm thứ ba, với thương vong không ngừng gia tăng, và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Nga cho rằng Kiev và Washington khiến đàm phán hòa bình bế tắc
Ngày 29/6, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao lâm vào bế tắc suốt nhiều tháng, Điện Kremlin bất ngờ lên tiếng quy trách nhiệm cho Ukraine và Mỹ về sự đình trệ trong tiến trình đàm phán hòa bình.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, phát biểu trên kênh truyền hình Belarus 1 rằng tốc độ tiến triển của các cuộc thương lượng "phụ thuộc rất nhiều vào lập trường của chế độ Kiev", đồng thời nhấn mạnh: "Còn tùy vào việc các nỗ lực trung gian của Washington có hiệu quả ra sao."
Theo hãng tin Reuters, ông Peskov cũng cho rằng tình hình trên chiến trường sẽ là một yếu tố quyết định đối với tương lai đàm phán.
Những phát biểu của ông Peskov được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, khi cuộc chiến toàn diện giữa Nga và Ukraine đang bước sang mùa hè thứ tư mà chưa có dấu hiệu nào về một lệnh ngừng bắn toàn diện. Hai vòng đàm phán trước đó giữa hai bên đều không đạt được kết quả cụ thể nào, khiến hy vọng hòa bình tiếp tục mờ mịt.
Bình luận (0)