
Công nhân Ukraine vận hành máy móc tại một mỏ titan lộ thiên ở vùng Zhytomyr vào tháng 2/2025. (Ảnh: AFP)
Theo phía Nga, mỏ lithium ở Shevchenko nằm tại vùng Donetsk hiện đã rơi vào quyền kiểm soát của lực lượng Moscow. Đây là mỏ có trữ lượng ước tính khoảng 14 triệu tấn quặng, với hàm lượng hydroxit lithium dao động từ 0,5% - 4%. Đây được xem là nguồn tài nguyên chiến lược, đặc biệt quan trọng trong sản xuất pin xe điện và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của châu Âu.
Phía Ukraine chưa xác nhận hay bác bỏ tuyên bố của Nga, nhưng khẳng định quyền sở hữu hợp pháp đối với mỏ Shevchenko vẫn thuộc về chính quyền Kiev và các đối tác quốc tế. Bà Yulia Svyrydenko - Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, người đã ký các thỏa thuận khai thác mỏ với các doanh nghiệp quốc tế - từ chối bình luận về việc mỏ Shevchenko bị chiếm đóng.
Nếu đúng như Moscow tuyên bố thì đây là mỏ lithium đầu tiên bị Nga kiểm soát kể từ khi Ukraine ký kết các hợp đồng khai thác quốc tế. Trước đó, lực lượng Nga từng giành quyền kiểm soát mỏ Balka Kruta tại Zaporizhzhia, cách Berdiansk khoảng 30 km về phía bắc.

(Ảnh minh họa: KP)
Hiện Ukraine vẫn còn kiểm soát hai mỏ lithium quan trọng khác gần thành phố Kropyvnytsky ở miền trung đất nước. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất tại Donetsk đang đặt dấu hỏi về chiến lược của Nga nhằm chiếm lĩnh các vùng giàu tài nguyên khoáng sản.
Các nhà phân tích phương Tây nhận định việc Nga tập trung vào các khu vực giàu khoáng sản như Donetsk không phải ngẫu nhiên. Đó có thể là một phần trong chiến lược nhằm hạn chế khả năng phục hồi kinh tế hậu chiến của Ukraine - quốc gia vốn kỳ vọng rất lớn vào việc khai thác tài nguyên để tái thiết đất nước sau xung đột.
Mỏ Shevchenko được phát hiện từ thời Liên Xô vào năm 1982 nhưng chưa từng được khai thác đầy đủ. Giới chuyên gia đánh giá mỏ này có ưu thế lớn vì nằm ở độ sâu chỉ 70 - 130 mét, dễ tiếp cận và có thể đưa vào khai thác thương mại nhanh chóng nếu được đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, vị trí của mỏ nằm gần tiền tuyến khiến việc khai thác gần như không khả thi trong hoàn cảnh hiện tại, bất kể mỏ thuộc quyền kiểm soát của bên nào.
Trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung lithium và pin từ Trung Quốc, việc Ukraine mất quyền kiểm soát hai mỏ lithium lớn đã gây lo ngại sâu sắc. Tờ Le Figaro (Pháp) nhận định, diễn biến này giúp Nga gia tăng ảnh hưởng trong lĩnh vực kim loại đất hiếm - vốn đang được phương Tây xem là yếu tố then chốt trong cuộc đua công nghệ xanh.

Quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn Cận vệ 101 của Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị bắn pháo lựu D-30 122mm về phía các vị trí của Nga trên tuyến đầu ở khu vực Donetsk, ngày 25/6/2025. (Ảnh: EPA/Shutterstock)
Liên minh châu Âu từng xem nguồn lithium từ Ukraine là một phần quan trọng trong chiến lược đạt được "tự chủ chiến lược" trong lĩnh vực sản xuất pin và chuyển đổi năng lượng. Mất quyền khai thác các mỏ này, châu Âu sẽ càng khó khăn hơn trong việc thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh (Green Deal).
Ở thời điệm hiện tại, tình hình tại vùng Pokrovsk, nơi mỏ Shevchenko tọa lạc, vẫn đang hết sức phức tạp. Nhóm Khortytsia - đơn vị quân sự Ukraine phụ trách khu vực - cho biết quyền kiểm soát các làng nhỏ trong vùng, bao gồm Shevchenko, đã liên tục thay đổi từ tháng 12/2024 đến nay.
Nhưng nếu thông tin Nga kiểm soát được Shevchenko là chính xác, thì đây không chỉ là bước tiến quân sự mà còn là thắng lợi chiến lược với ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế và an ninh năng lượng khu vực.
Cuộc chiến tại Ukraine, vốn được biết đến bởi những tổn thất về sinh mạng và lãnh thổ, giờ đây đang mở rộng sang một mặt trận mới: mặt trận tài nguyên. Lithium - thứ kim loại nhẹ từng ít được chú ý - nay đang trở thành tâm điểm trong cuộc tranh giành ảnh hưởng toàn cầu.
Ngoại trưởng Nga Lavrov: "Phương Tây sẽ không thể đánh bại Nga thông qua Kiev"
Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Kyrgyzstan Jeenbek Kulubayev ngày 29/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định các nước phương Tây đang sử dụng Ukraine như một "cái nêm" để tìm cách gây thất bại chiến lược cho Nga, song khẳng định kế hoạch này sẽ không thành công.
Phát biểu tại thành phố Cholpon-Ata, ông Lavrov nói: "Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc đối đầu chưa từng có giữa Nga và phương Tây, vốn đang phát động một cuộc chiến chống lại chúng tôi, với mục tiêu là gây thất bại chiến lược cho Nga, thực chất là sử dụng chế độ Kiev như một công cụ tấn công".
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: "Phương Tây chưa từng thành công trước đây, và lần này cũng sẽ không có ngoại lệ".
Ông Lavrov cũng cho rằng một số quốc gia phương Tây hiện đã bắt đầu "nhận ra thực tế này", trong bối cảnh cuộc đối đầu kéo dài không mang lại kết quả như họ mong muốn. Tuyên bố được đưa ra giữa lúc chiến sự ở Ukraine vẫn căng thẳng, trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng đối với nền kinh tế Nga.
Ngoài các vấn đề quốc tế, ông Lavrov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Kyrgyzstan - một đồng minh truyền thống hậu Xô Viết. Ông cho biết, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, việc củng cố các mối quan hệ với các quốc gia Trung Á là ưu tiên chiến lược của Nga.
Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra trong bối cảnh Moscow ngày càng chỉ trích vai trò của phương Tây trong xung đột Ukraine, đặc biệt là việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Kiev. Nga từ lâu đã cáo buộc các nước NATO đứng sau Ukraine, biến quốc gia này thành "quân cờ" nhằm kiềm chế và làm suy yếu nước Nga.
Trong khi đó, các nước phương Tây khẳng định họ ủng hộ Ukraine để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời bác bỏ cáo buộc sử dụng Ukraine làm "công cụ" đối đầu với Moscow. Tuy nhiên, phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov cho thấy Nga sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn và không lùi bước trước sức ép từ phương Tây.
Nga tấn công tên lửa quy mô lớn vào nhiều khu vực xa tiền tuyến ở Ukraine

Một khu dân cư ở thủ đô Kiev trúng không kích của lực lượng Nga, ngày 17/6/2025. (Ảnh: AFP)
Theo báo Kyiv Post, rạng sáng ngày 29/6, Ukraine trải qua một đợt không kích quy mô lớn do Nga thực hiện, với hàng loạt tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) tấn công vào các khu vực xa tiền tuyến, bao gồm cả miền tây Ukraine - nơi vốn ít bị ảnh hưởng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Báo động không kích vang lên khắp cả nước suốt đêm, trong bối cảnh các đợt tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ sát thương trong hai tháng gần đây. Không quân Ukraine cảnh báo ngay từ tối 28/6 rằng ba máy bay ném bom chiến lược Tu-95 đã cất cánh từ sân bay quân sự Olenya ở vùng Murmansk. Ngoài ra, nhiều nhóm UAV của Nga cũng được phát hiện đang hướng đến nhiều khu vực khác nhau.
Vài giờ sau, lực lượng phòng không Ukraine tiếp tục phát đi cảnh báo về việc một máy bay chiến đấu MiG-31K có khả năng mang tên lửa siêu thanh Kinzhal, đã cất cánh từ sân bay Savasleyka ở vùng Nizhny Novgorod của Nga. Những tên lửa hành trình sau đó được phóng tới các tỉnh Ternopil, Lviv và Ivano-Frankivsk ở miền tây Ukraine.
Đợt tấn công này diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng tổ chức thêm một vòng đàm phán hòa bình với Ukraine. Tuy nhiên, đến nay, hai vòng đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn hai nước tại Istanbul hầu như không mang lại kết quả, ngoài việc phối hợp trao đổi tù binh.
Moscow tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, yêu cầu Ukraine phải từ bỏ toàn bộ viện trợ quân sự từ phương Tây thì mới chấp nhận đàm phán lệnh ngừng bắn.
Bình luận (0)