Mặc dù là nước xuất khẩu tre và các sản phẩm từ tre rất lớn, nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng được sản xuất từ nguyên liệu này. Cùng với đó là một lượng lớn tăm, đũa từ Trung Quốc thẩm lậu vào nội địa mà không được kiểm soát.
20 năm trong nghề làm các sản phẩm từ tre, nhưng đến nay gia đình ông Trần Văn Tuyến, chủ cơ sở sản xuất tăm tre xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội xác định dừng lại ở sản phẩm tăm để làm hương, hầu hết loại hàng này đều ở dạng thô và chủ yếu là xuất khẩu. Ông cho biết, 90% số xưởng ở xã Quảng Phú Cầu đều làm tăm hương, một vài hộ gia đình còn làm sản phẩm tăm đũa tre nhưng quy mô nhỏ và mang tính thời vụ.
Theo ông Tuyến, vấn đề không phải làm tăm, đũa khó, mà cái khó là tìm được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Không cạnh tranh được về giá cả, mẫu mã của Trung Quốc, nhiều làng nghề tăm tre truyền thống chấp nhận bỏ thị trường mà lẽ ra đó phải là thế mạnh.
Cây tre vốn là biểu tượng của làng quê Việt Nam, ở làng nào người ta cũng thấy tre, bờ sông, đầu làng đâu đâu cũng có... nguyên liệu sẵn, nhưng người sản xuất không thể bán được hàng. Phải chăng không Việt Nam có thị trường tiêu thụ?.
Thực tế lại hoàn toàn khác. Tăm đũa dùng một lần không thể thiếu tại các nhà hàng. Một ngày, quán ăn của chị Đinh Phương Anh (Hà Nội) dùng hết khoảng 400-500 đôi đũa, với giá 10.000-12.000 đồng/bó 65 đôi thì 500 đôi đũa chị mất khoảng 70.000 đồng. Chị Phương Anh cho biết, đũa dùng một lần rẻ, tiện lợi, mẫu mã trắng đẹp, chỉ cần một cú điện thoại là có hàng ngay.
Chỉ tính một cách đơn giản, mỗi tháng quán ăn nhà chị Phương Anh tiêu thụ hết 15.000 đôi đũa, với số lượng hàng trăm ngàn quán ăn, nhà hàng thì chỉ riêng thị trường Hà Nội, mỗi tháng số lượng tiêu thụ loại đũa này có thể lên đến hàng chục triệu đôi. Một thị trường với sức tiêu thụ lớn như vậy nhưng không có chỗ cho các làng nghề tăm tre của Việt Nam.
Đại diện cho những người làm nghề, ông Trần Văn Tuyến kiến nghị: “Cần cấm hàng nhập lậu triệt để thì các ngành nghề trong nước mới phát triển được, còn không ngăn được hàng lậu thì chúng tôi không thể”.
Nhập khẩu từ tăm tre, đôi đũa... những bó tăm, đôi đũa bằng nhiều con đường khác nhau nhan nhản có mặt ở thị trường Việt Nam. Không mẫu mã, không địa chỉ sản xuất... những đôi đũa dùng một lần có độc hại cho người tiêu dùng không, điều đó vẫn đang là một câu hỏi. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là mỗi năm hơn 1.000 tấn đũa tre, tăm tre cứ được nhập khẩu vào Việt Nam và lấy đi những đồng ngoại tệ quý giá của đất nước, còn các doanh nghiệp Việt Nam thì cúi đầu chấp nhận thua trên sân nhà.
Bình luận (0)