Bắt thêm nhiều đối tượng trong đường dây làm giả bệnh án tâm thần

Nguyễn Ngân, Phùng Định, Tuấn Anh

01/07/2025 22:37 GMT+7

Liên quan đến đường dây làm giả bệnh án tâm thần đặc biệt nghiêm trọng, Công an TP Hà Nội vừa bắt giữ thêm nhiều đối tượng, trong đó có toàn bộ lãnh đạo Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc.

Vụ án làm giả bệnh án tâm thần với mục đích trốn tránh trách nhiệm hình sự tiếp tục được mở rộng điều tra. Theo thông tin mới nhất từ Công an TP Hà Nội, hàng loạt cán bộ, trong đó có Giám đốc, Phó Giám đốc và một giám định viên của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc đã bị khởi tố về tội nhận hối lộ.

Câu hỏi đặt ra là nhóm tội phạm đã dùng thủ đoạn gì để móc nối với cán bộ lãnh đạo và nhân viên y tế?

Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc (thuộc Bộ Y tế) là nơi tiếp nhận các đối tượng phạm tội hình sự cần giám định pháp y tâm thần từ nhiều tỉnh trong khu vực. Trung tâm có 57 cán bộ, nhân viên và chỉ thực hiện giám định, không có chức năng điều trị. Mỗi đối tượng thường được đưa vào đây để theo dõi trong vòng 3 - 4 tuần, trước khi có kết luận chính thức từ các giám định viên.

Bắt thêm nhiều đối tượng trong đường dây làm giả bệnh án tâm thần - Ảnh 1.

Bắt thêm nhiều đối tượng trong đường dây làm giả bệnh án tâm thần - Ảnh 2.

Bắt thêm nhiều đối tượng trong đường dây làm giả bệnh án tâm thần - Ảnh 3.

Dù quá trình giám định có sự giám sát của lực lượng công an, nhưng một số đối tượng vẫn tìm cách kết nối với lãnh đạo và giám định viên để thay đổi kết luận. Những biểu hiện “rối loạn” được cố ý bổ sung vào bệnh án – dù đối tượng hoàn toàn bình thường – nhằm đủ điều kiện xác định “mất khả năng điều khiển hành vi”, được đưa đi điều trị bắt buộc và không phải thi hành án hình sự.

Đối tượng Lại Thành Trung, bác sĩ giám định viên của Trung tâm thừa nhận: “Chỉ hạn chế về nhận thức thôi, viết thêm vào bệnh án, thêm phần ảo thanh. Chỉ đạo mất thì buộc phải ghi là mất”.

Bắt thêm nhiều đối tượng trong đường dây làm giả bệnh án tâm thần - Ảnh 4.

Hàng loạt triệu chứng như “rối loạn tư duy”, “rối loạn tri giác”, “ảo thanh” đã được ghi bổ sung vào hồ sơ giám định – theo yêu cầu của lãnh đạo trung tâm.

Đối tượng Hoàng Tất Thành, Giám đốc Trung tâm nói: “Chỉ đạo các nhân viên… Đồng tiền, lòng tham đã khiến tôi như vậy. Mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi là chẩn đoán đã được kết luận trong các biên bản giám định, giúp các đối tượng thuộc diện điều trị bắt buộc không phải thi hành án hình sự”.

Khai nhận ban đầu cho thấy, Giám đốc Trung tâm nhận 270 triệu đồng, Phó Giám đốc nhận 120 triệu, còn giám định viên nhận 13 triệu đồng từ các đối tượng. Các bác sĩ, giám định viên cho biết bị ép phải làm theo chỉ đạo từ cấp trên, và một phần vì áp lực tài chính.

Đối tượng Lục Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Công tác giám định phải rất trung thực, nếu trung thực thì không sao. Vì đồng tiền, vì sức ép – như tôi là chính lãnh đạo ép tôi”.

Trong quá trình điều tra, đã có không ít giọt nước mắt hối hận từ chính những người từng được coi là đại diện cho chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Sau 30 năm làm nghề, Giám đốc Trung tâm – ông Hoàng Tất Thành – phải thốt lên: “Tôi đã mất tất cả”.

Bắt thêm nhiều đối tượng trong đường dây làm giả bệnh án tâm thần - Ảnh 5.

Công an TP Hà Nội cũng cho biết đã xác minh có sự tiếp tay của một số cán bộ tư pháp, hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Vụ việc lần này cho thấy nhiều kẽ hở trong quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là việc cho phép trừ thời gian chấp hành án nếu đối tượng được xác định cần điều trị bắt buộc do mắc bệnh tâm thần. Đây là sơ hở nghiêm trọng bị các đối tượng lợi dụng để tìm cách “chạy bệnh án tâm thần” nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.