Như thông tin đã đưa, công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá vụ án Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Tàng trữ trái phép chất ma túy, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương.
40 đối tượng đã bị khởi tố trong đó có 36 đối tượng là lãnh đạo, cán bộ Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, 2 bị can là bệnh nhân đang chữa bệnh tâm thần bắt buộc. Đặc biệt có bị can là Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Trưởng các khoa, phòng ban chức năng của Viện pháp y tâm thần Trung ương và Viện pháp y tâm thần Biên Hòa.
Nhóm bị can có nhiều tiền án tiền sự đã móc nối với các lãnh đạo, nhân viên y tế tại Viện Pháp Y tâm thần Trung ương để làm sai lệch kết luận giám định tâm thần, giúp nhiều đối tượng phạm tội hình sự trong đó có tội đặc biệt nghiêm trọng không phải chấp hành án theo quy định.
Năm 2016, Nguyễn Thị Mai Anh, phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. Tại đây Mai Anh đã cấu kết với các cán bộ, giám định viên của Viện để ra ngoài.
Năm 2020, đối tượng tiếp tục phạm tội làm giả con dấu, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức và tiếp tục được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Năm 2023 đối tượng tiếp tục phạm tội Gây rối trật tự công cộng và tiếp tục được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện pháp y tâm thần Trung ương.
Lê Văn Đông, chồng bị can Mai Anh, có 5 tiền án tiền sự trong đó có tội Mua bán trái phép chất ma túy, gây rối trật tự công cộng, được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện.
2 đối tượng đã cấu kết, đưa tiền cho Lãnh đạo, nhân viên của Viện để được tự do ra ngoài thường xuyên. Thậm chí còn tổ chức mời cả cán bộ nhân viên của các Khoa, phòng thuộc viện Pháp y đi du lịch nghỉ mát cùng tại nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp ở nhiều tỉnh, thành.
Theo điều tra, quá trình điều trị tại đây, 2 đối tượng được bố trí ở phòng riêng, có điều hòa và các thiết bị âm thanh để tổ chức ăn chơi và sử dụng ma túy ngay tại Viện.
Trưởng khoa điều trị bắt buộc nam, nữ và nhiều nhân viên tại các khoa đều thường xuyên nhận tiền và quà của các đối tượng.
Từ tháng 2 đến tháng 5 vừa qua, 2 đối tượng Mai Anh và Lê Văn Đông đã trốn khỏi Viện.
Đầu tháng 6, 2 đối tượng đã cho tiền để các bác sĩ, nhân viên y tế và người nhà của Khoa điều trị bắt buộc nam tổ chức đi du lịch tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
2 đối tượng trên có đi cùng và tổ chức sử dụng ma túy công khai tại bãi biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tại đây, lực lượng công an đã bắt giữ nhóm đối tượng khi đang sử dụng trái phép chất ma túy. Thậm chí, chính cán bộ, nhân viên của Viện sử dụng ma túy cùng.
Bước đầu xác định 14 cán bộ, nhân viên của Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương có mặt tại đây.
Bước đầu công an thành phố Hà Nội đã xác định 22 đối tượng có quyết định chữa bệnh bắt buộc nhưng không có mặt tại Viện.
Đối với 22 hồ sơ của các đối tượng, sơ bộ nhận định 15 đối tượng có dấu hiệu can thiệp trái pháp luật để có kết luận giám định tâm thần không đúng quy định đã được áp dụng bắt buộc chữa bệnh nhằm trốn tránh xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Thượng tá Nguyễn Trọng Bằng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội: Hành vi kéo dài trong nhiều năm, có những đối tượng đã được trưng cầu giám định đi giám định nhiều lần trong vụ án. Các đối tượng tìm được kẽ hở móc nối với các giám định viên để móc nối với các lãnh đạo cao nhất để áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.
Hầu hết các đối tượng được chúng tôi thẩm định có nhiều tiền án tiền sự, có hành vi ngụy tạo ra bệnh án tâm thần. Vì dụ khi phạm tội mới vào các cơ sở khám chữa bệnh tâm thần lẩn trốn để có bệnh án, để có căn cứ đầu thú, hoặc khi bị bắt sẽ trình bày tâm thần để giám định. Trong thời gian này chập với các y bác sĩ và các đối tượng cộm cán can thiệp để làm sai lệch các bệnh án, trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Đây là tang vật thu giữ của 2 đối tượng Nguyễn Thị Mai Anh và Nguyễn Văn Đông, để tổ chức những cuộc liên hoan với các cán bộ, nhân viên y tế bên ngoài Viện.
Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội cũng đã thu giữ, tạm giữ nhiều tài liệu, tang vật vụ án trị giá hàng chục tỷ đồng liên quan đến hành vi của các đối tượng.
Giả tâm thần để được đưa đi điều trị nhằm trốn tội, trốn tránh cơ quan điều tra là thủ đoạn tội phạm mà hiện nay nhiều đối tượng tội phạm sử dụng.
Trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng vừa rồi, công an thành phố Hà Nội đã xác định có sự tiếp tay của chính những lãnh đạo Viện Pháp y Tâm thần Trung ương và nhiều cán bộ, y bác sỹ, người làm công tác giám định pháp y tâm thần.
Nhiều đối tượng là thủ phạm trong những vụ án nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận nhân dân nhưng lại bị bỏ ngỏ hoặc đóng hồ sơ với lý do đối tượng "bỗng dưng" mắc bệnh tâm thần.
Cuốn sổ điều trị của 1 trong những đối tượng được xác định đã được thêm các biểu hiện để được kết luận thuộc diện điều trị tâm thần bắt buộc.
Giám định viên đã thêm dòng chữ "có ảo thanh" xuất hiện liên tục. Đây là căn cứ để hội đồng giám định của Viện kết luận là loạn thuần, mất khả năng điều khiển hành vi.
Đối tượng trước đó phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Trước cuộc họp cuối cùng của hội đồng giám định để đưa ra kết luận, giám định viên, thư ký cuộc họp và trưởng khoa Gíam định đã nhận những khoản tiền từ viện trưởng.
Theo khai nhận thư ký cuộc họp nhận 20tr đồng, trưởng khoa giám định nhận 30tr đồng.
Theo quy định, quá trình theo dõi, giám định phải tuân thủ quy trình theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Yếu tố kỹ thuật như thực hiện cộng hưởng từ, điện não đồ... chỉ có tác dụng hỗ trợ, còn quan trọng nhất là việc theo dõi triệu chứng lâm sàng các đối tượng, cộng thêm nghiên cứu hồ sơ về đối tượng từ trước đến nay. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng kết nối với các giám định viên, bác sĩ làm sai lệch hồ sơ.
Theo điều tra, mỗi trường hợp nhóm đối tượng cầm đầu đã nhận hàng tỷ đồng sau đó chuyển cho Viện trưởng hàng trăm triệu đồng để chia cho các thành viên hội đồng giám định.
Sau khi nhận tiền các đối tượng đã viết thêm vào hồ sơ bệnh án các biểu hiện của bệnh tâm thần hoặc viết không đúng về tình trạng bệnh để có kết luận giám định pháp y tâm thần. Nhóm đối tượng cầm đầu còn kết nối với các bị can và các giám định viên để hưởng lợi hàng tỷ đồng.
Công an thành phố Hà Nội vẫn đang mở rộng vụ án. Đồng thời đề nghị các cơ quan tư pháp trong cả nước rà soát lại các vụ án, vụ việc có các đối tượng được đưa đi giám định pháp y tâm thần tại Viện pháp y tâm thần Trung ương trong 5 năm trở lại đây.
Đặc biệt rà soát các đối tượng có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng có nhiều tiền án tiền sự, co điều kiện kinh tế, phạm tội về ma túy, giết người, đánh bạc hoặc các tội phạm về kinh tế chức vụ, nhưng trước khi phạm tội k có hồ sơ, bệnh án tâm thần. Khi được cơ quan tư pháp áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì đến các bệnh viện để khám và điều trị tâm thần. Với những trường hợp có nghi vấn trao đổi lại với công an thành phố Hà Nội để tiếp tục điều tra làm rõ.
Đây không phải là lần đầu những vụ án như thế này được điều tra khởi tố, tuy nhiên sự việc lần này có quy mô và mức độ nghiêm trọng nhất.
Cần phải nhanh chóng bịt lỗ hổng giám định, không để các đối tượng phạm tội lợi dụng là những ý kiến đã được nêu ra thẳng thắn tại họp báo của Công an Hà Nội vào cuối giờ chiều nay.
Vụ án tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương không chỉ phơi bày sự suy thoái đạo đức nghề nghiệp mà còn bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống giám định pháp y tâm thần. Công an thành phố Hà Nội cho biết sẽ điều tra để xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các đối tượng có hành vi phạm tội mà đã được kết luận giám định pháp y tâm thần không đúng thực trạng bệnh
Bình luận (0)