Vì sao hơn 9.000 người trẻ có bằng trên đại học thất nghiệp ở TP Hồ Chí Minh?

Long Hiếu

13/06/2025 17:03 GMT+7

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh có hơn 22.000 lao động dưới 35 tuổi thất nghiệp. Trong đó, hàng ngàn cử nhân dù có việc vẫn bỏ ngang vì không phù hợp hoặc lương thấp.

Khó tìm việc dù có bằng cấp, kinh nghiệm

Tại một phòng trọ chỉ vỏn vẹn 15m² ở TP Thủ Đức, anh Trần Kim Thành (24 tuổi, quê Bình Phước) miệt mài gửi hồ sơ xin việc suốt ba tháng qua. Dù có bằng đại học chuyên ngành công nghệ thông tin và từng đi làm, Thành vẫn rơi vào cảnh thất nghiệp.

"Đến giờ tôi đã gửi gần 60 hồ sơ, đang cố gửi tiếp để đủ chỉ tiêu 100 bộ như mình đề ra", anh Thành nói trong tiếng cười pha chút ngao ngán.

Theo anh, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ tuyển thực tập sinh hoặc cộng tác viên, tránh tuyển dụng chính thức để tiết kiệm chi phí. Điều này khiến người lao động như anh, dù có năng lực, vẫn không thể ổn định công việc.

Vì sao hơn 9.000 người trẻ có bằng trên đại học thất nghiệp ở TP Hồ Chí Minh? - Ảnh 1.

Các đơn xin việc của Thành chủ yếu được đề nghị nhận việc ở vị trí thực tập. (Ảnh: Long Hiếu).

Để trang trải sinh hoạt, anh Thành phải làm nhiều công việc bán thời gian như phụ bếp, bán hàng và chạy quảng cáo thuê trên mạng xã hội, thu nhập bấp bênh. Hiện tại, anh đang học thêm ngoại ngữ để tăng cơ hội việc làm.

Tương tự, chị Lê Ngọc Thanh (22 tuổi, quê Trà Vinh) thất nghiệp hơn hai tháng sau khi bị doanh nghiệp nơi chị làm việc cắt giảm vị trí sản xuất nội dung vì thay thế bằng công nghệ AI.

"Tôi bị cho nghỉ dù đã làm gần hai năm. Cảm giác sốc và hụt hẫng", chị chia sẻ.

Chị Thanh đã chủ động xin làm toàn thời gian ở các nhà hàng, quán ăn để ổn định thu nhập, nhưng phần lớn họ chỉ tuyển bán thời gian hoặc không phản hồi sau phỏng vấn.

Vì sao hơn 9.000 người trẻ có bằng trên đại học thất nghiệp ở TP Hồ Chí Minh? - Ảnh 2.

Chị Thanh không nhận được phản hồi sau khi đề nghị làm toàn thời gian khi phỏng vấn. (Ảnh: NVCC).

Có việc nhưng không muốn làm

Không ít lao động trẻ dù có việc vẫn từ chối vì cảm thấy không phù hợp. Anh Nguyễn Nhật Minh (23 tuổi, quê Cà Mau), tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, đã hai lần nghỉ việc chỉ trong bốn tháng.

"Mức lương không tương xứng với khối lượng công việc. Tôi thấy ngột ngạt trong môi trường văn phòng", anh Minh kể.

Số liệu đáng chú ý:

- 22.400 lao động trẻ thất nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

- Hơn 9.200 người trong số đó có bằng đại học trở lên.

- Gần 50% tổng số người thất nghiệp tại TP Hồ Chí Minh dưới 35 tuổi.

Hiện anh chuyển sang làm thiết kế đồ họa tự do, thu nhập khoảng 8 – 12 triệu đồng/tháng. Anh chủ động chọn nơi làm việc – có khi ở nhà, có khi lên Đà Lạt "đổi gió" suốt cả tháng.

Tuy nhiên, công việc tự do cũng có mặt trái: áp lực tiến độ cao, thu nhập không ổn định, thiếu bảo hiểm và chế độ.

"Tôi đang học thêm để hy vọng có thể quay lại làm việc ổn định với ngành nghề phù hợp hơn", anh Minh cho biết.

Vì sao hơn 9.000 người trẻ có bằng trên đại học thất nghiệp ở TP Hồ Chí Minh? - Ảnh 4.

Anh Minh chọn làm việc tại nhà để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. (Ảnh: Long Hiếu).

Ưu tiên định hướng cá nhân hơn mức lương cao

Trường hợp của anh Phạm Hoàng Khang (24 tuổi, quê An Giang) còn cho thấy một xu hướng mới: chọn lý tưởng thay vì thu nhập.

Dù từng nhận nhiều lời mời từ trung tâm ngoại ngữ với mức lương cao, anh Khang từ chối vì cho rằng áp lực và yêu cầu công việc không phù hợp định hướng bản thân.

Hiện anh tập trung nghiên cứu học thuật, biên phiên dịch cho các dự án phi lợi nhuận và hướng đến học bổng du học châu Âu. Ngoài ra, anh dạy tiếng Anh và chữa bài luận để trang trải tài chính, dù nguồn thu không ổn định.

Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 22.400 lao động dưới 35 tuổi thất nghiệp, chiếm hơn 49% tổng số người thất nghiệp toàn thành phố. Trong đó, hơn 9.200 người có bằng đại học trở lên.

Bà Lượng Thị Tới – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh – cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ xu hướng nhảy việc, áp lực công việc, thiếu định hướng nghề nghiệp và cạnh tranh khốc liệt do thành phố là trung tâm thu hút sinh viên tốt nghiệp từ cả nước./.

Tin liên quan

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Hỗ trợ toàn diện cho người thất nghiệp

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Hỗ trợ toàn diện cho người thất nghiệp

VTV.vn - Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi mở rộng hỗ trợ đào tạo nghề, giúp người thất nghiệp nâng cao kỹ năng, sớm tái hòa nhập thị trường lao động, thích ứng với biến động mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.