Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như sữa, thuốc chữa bệnh, và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều Công điện và Chỉ thị quan trọng.
Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Cùng với đó là Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên) đã triển khai đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, ông Trần Khánh Phương, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên, cho biết đơn vị đã tích cực triển khai các chỉ đạo trên và đạt được những kết quả đáng kể.
Trong đợt cao điểm, Đội Quản lý thị trường số 2 đã kiểm tra và xử lý 27 vụ vi phạm, thu về tổng số tiền phạt hành chính, trị giá hàng tịch thu và giá trị hàng buộc tiêu hủy lên đến 544.855.000 đồng.
Cụ thể số tiền phạt hành chính lên đến 270.500.000 đồng, trị giá hàng hoá tịch thu là 181.420.000 đồng, trị giá hàng buộc tiêu hủy là 92.935.000 đồng.
Các vụ vi phạm bao gồm: Hàng nhập lậu 4 vụ, phạt hành chính 34.000.000 đồng, trị giá hàng tịch thu 15.140.000 đồng, giá trị buộc tiêu hủy 41.685.000 đồng.
Hàng giả 5 vụ, phạt hành chính 54.000.000 đồng, giá trị buộc tiêu hủy 40.000.000 đồng. Hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ (NGXX) 7 vụ, phạt hành chính 84.000.000 đồng, trị giá hàng tịch thu 166.280.000 đồng, giá trị buộc tiêu hủy 11.250.000 đồng.
Vi phạm về thương mại điện tử (TMĐT) 1 vụ, phạt hành chính 15.000.000 đồng, các vi phạm khác 10 vụ, phạt hành chính 83.500.000 đồng.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, ông Trần Khánh Phương cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn mà lực lượng quản lý thị trường đang phải đối mặt như:
Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình, thu thập, xác minh, điều tra, trinh sát, dẫn đến việc chưa đầy đủ và kịp thời.
Thách thức từ thương mại điện tử, việc xác định tính chất, quy mô, địa chỉ vi phạm và hàng hóa vi phạm trong thương mại điện tử còn nhiều khó khăn. Phần lớn các đối tượng sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…
Các đối tượng thường có quy mô nhỏ lẻ, sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau, hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nhà ở để cất giấu hàng hóa, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra, xử lý.
Phương thức vận chuyển tinh vi, các đối tượng đang chuyển từ hình thức kinh doanh mua bán, vận chuyển, giao nhận trực tiếp sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để vận chuyển hàng hóa vi phạm qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh.
Điều này khiến các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm. Hơn nữa, các hoạt động vận chuyển như chuyển phát nhanh, ship hàng thu tiền hộ đang thiếu quy định về chế định, chế tài xử lý trong hoạt động bưu chính viễn thông.
Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng chức năng, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến thương mại điện tử và dịch vụ bưu chính, chuyển phát.
Bình luận (0)