Nhiều chủ phương tiện tự nguyện tháo bỏ thiết bị khai thác cát

Lô Dũng

09/05/2025 15:07 GMT+7

VTV.vn - Trước thực trạng khai thác cát trái phép, lực lượng chức năng đã triển khai một giải pháp mới, đó là vận động các chủ phương tiện tự nguyện tháo bỏ thiết bị khai thác cát.

Sau hơn một ngày, toàn bộ thiết bị phục vụ khai thác cát lắp đặt trên chiếc tàu đã được dỡ bỏ. Đây chỉ là 1 trong số 3 tàu vận tải được gia đình anh Thơm đã đầu tư hàng tỷ đồng để cải tạo thành 3 tàu khai thác cát. Việc dỡ bỏ toàn bộ thiết bị để khôi phục hiện trạng ban đầu cho những tàu vận tải này hoàn toàn do gia đình tự nguyện thực hiện.

"Ảnh hưởng nhiều nhưng bây giờ được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và công an Vĩnh Phúc, chúng tôi đã tháo dỡ và đã hoàn chỉnh. Hoàn toàn không còn phương tiện nào để đi hút", anh Lê Xuân Thơm (Cao Đài, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ.

Những thiết bị phục vụ khai thác cát khi được dỡ bỏ không còn nhiều giá trị. Điều đó có nghĩa với các chủ phương tiện, ngoài thiệt hại về kinh tế còn mất đi phương tiện kiếm lợi nhuận mỗi ngày từ khai thác cát trái phép. Vì vậy để người dân tự giác chấp hành, lực lượng cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương đã phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Nhiều chủ phương tiện tự nguyện tháo bỏ thiết bị khai thác cát - Ảnh 1.

Sau hơn 1 tháng triển khai, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, CSGT đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan vận động người dân tự tháo dỡ thiết bị khai thác cát trên 44 phương tiện.

"Chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, công an xã đến từng nhà để vận động và cho họ thời gian tự nguyện tháo dỡ các phương tiện này. Nếu không, cứ theo quy định chúng tôi làm, các phương tiện không đủ đăng ký, đăng kiểm chúng tôi sẽ xử lý.Cchính vì thế các hộ kinh doanh nhận thức được việc lắp thiết bị là sai và cam kết tự tháo dỡ", Thượng tá Nguyễn Hữu Thành (Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết.

"Vận động được các chủ phương tiện thực hiện tự giác tháo dỡ nên nguy cơ tiềm ẩn khai thác cát trên sông sẽ không còn nữa,tránh được tình trạng sạt lở khu vực ven sông và các phương tiện giao thông đường thủy cũng được thông thoáng, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy", ông Trần Văn Lợi (Quyền Chủ tịch UBND xã Sao Đại Việt, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho hay.

Đến nay, sau hơn 1 tháng triển khai, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, cảnh sát giao thông đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan vận động người dân tự tháo dỡ thiết bị khai thác cát trên 44 phương tiện. Số còn lại cũng đang dừng hoạt động và chờ đến lượt tháo dỡ. Rõ ràng đây là giải pháp ngăn chặn từ gốc nạn khai thác cát trái phép trên sông, bởi khi không còn phương tiện, cũng có nghĩa không có cơ hội để thực hiện hành vi khai thác cát trái phép.

Hà Nội: 'Cát tặc' đại náo sông Hồng, người dân mất đất, mất nhà Hà Nội: "Cát tặc" đại náo sông Hồng, người dân mất đất, mất nhà

VTV.vn - Thời gian gần đây, người dân sống ven sông Hồng luôn thấp thỏm, lo âu vì tình trạng sạt lở bờ vở sông do hoạt động khai thác cát trái phép.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.