Những ngày đầu tháng 5 đến nay, mỗi ngày, Bảo tàng Hồ Chí Minh (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2025). Trong không khí trang nghiêm, xúc động, từng hiện vật được trưng bày nơi đây như gợi nhắc một cách sống động về hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu một con người suốt đời vì nước, vì dân.

Bảo tàng Hồ Chí Minh chật kín người dân và du khách đến tưởng nhớ Bác Hồ
"Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi cùng đoàn Hội Người cao tuổi thành phố tổ chức chuyến đi về thăm Bác. Ra đến đây, thấy rất đông người dân từ khắp nơi đổ về viếng Bác, ai cũng thành kính, xúc động. Là người con xứ Nghệ - Tĩnh, tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì Bác là người con ưu tú của quê hương Nghệ An. Tại bảo tàng, tôi được tận mắt nhìn thấy nhiều kỷ vật. Những chiếc võng, khung dệt vải, cày cuốc… tất cả đều mộc mạc, thân thuộc, như mang hồn cốt của làng quê xứ Nghệ", bà Lê Thị Nhâm, một du khách đến từ Hà Tĩnh, chia sẻ.
Không gian trưng bày của bảo tàng không quá rộng lớn, nhưng mỗi góc nhỏ đều được chăm chút, sắp đặt với sự trân trọng và ý nghĩa sâu sắc. Những vật dụng tưởng chừng giản đơn như chiếc chăn len, bút máy, máy chữ Héc Mét, viên đá chặn giấy… lại trở thành những minh chứng chân thực về một lối sống tiết kiệm, giản dị, khiêm nhường và đầy trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiếc chăn len đã sờn của Bác Hồ được lưu giữ tại bảo tàng


Bản chép tay Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Không ít du khách dừng lại khá lâu trước những kỷ vật đã theo Bác đi công tác trong suốt những năm kháng chiến. Mỗi vết trầy xước trên chiếc vali da, mỗi mảnh vải bạc màu của bộ quần áo kaki cũ, đều chứa đựng những câu chuyện hào hùng, những năm tháng vất vả mà kiên cường của Người trên hành trình cứu nước.
Từng đoàn người lặng lẽ di chuyển qua các gian trưng bày. Cụ già tóc bạc bước chậm bên cạnh những em học sinh còn mặc nguyên đồng phục. Họ không ồn ào, không vội vã, như đang đi trên một hành trình trở về cội nguồn, để soi chiếu hiện tại bằng những ký ức thiêng liêng của dân tộc.




Bản tuyên ngôn độc lập cùng ảnh chụp Bác Hồ và các thành viên Chính phủ lâm thời
Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật mà còn là "địa chỉ đỏ" trong hành trình giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Mỗi hiện vật ở đây đều mang trong mình một câu chuyện, một bài học về nhân cách, đạo đức, ý chí và lý tưởng sống. Với nhiều trường học, cơ quan, tổ chức đoàn thể, việc tổ chức cho học sinh, đoàn viên đến thăm bảo tàng vào dịp tháng Năm đã trở thành hoạt động thường niên đầy ý nghĩa.
Nhiều em nhỏ lần đầu tiên được đến bảo tàng đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy những vật dụng đơn sơ đến mức giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không có gì cao sang, chỉ là những vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày nhưng đủ để những học sinh đến đây cảm nhận được sự gần gũi, giản dị và tấm lòng hết mình vì dân, vì nước của Người.




Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác, rất đông người dân đã đến Bảo tàng Hồ Chí Minh để tham quan
135 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác sinh ra ở làng Hoàng Trù (Nam Đàn, Nghệ An), nhưng lý tưởng sống và hình ảnh cao đẹp của Người vẫn luôn là ngọn đèn soi sáng con đường đi lên của dân tộc. Mỗi người dân đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh đều mang theo trong mình sự thành kính, biết ơn và tự hào.
Những kỷ vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu như những mốc son bất biến trong trái tim người Việt. Bởi hơn tất cả, đó không chỉ là kỷ vật hay vật dụng của Bác, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường và đức hy sinh của một con người đã dành trọn đời mình cho Tổ quốc.
Bình luận (0)