Ngày 14/5/2025, Chi cục Nông nghiệp tỉnh Kon Tum ban hành văn bản số 245/CCNN-TTBVTV, khẳng định hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng (MSVT) của Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum "chưa đủ cơ sở để cấp mã số".
Lý do bởi vùng trồng không đáp ứng điều kiện sinh thái đặc thù của cây sâm Ngọc Linh như độ cao tối thiểu 1.800m, rừng nguyên sinh với độ tàn che 70–90%, nhiệt độ trung bình từ 14 – 18°C… Đặc biệt, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh việc trồng sâm trong nhà màng là phù hợp. Tuy nhiên, chỉ đúng 15 ngày sau, vào ngày 29/5/2025, Chi cục này lại ban hành Giấy xác nhận mã số vùng trồng lần đầu cho chính doanh nghiệp này, với diện tích 2,1 ha tại thôn Đăk Kinh 1, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông. Sản lượng dự kiến ghi trong giấy lên tới 3 tấn. Diễn biến này, khiến nhiều người bất ngờ, đặc biệt là trong cộng đồng người Xơ Đăng – những người đã gắn bó cả đời với việc gìn giữ sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nguyên sinh núi Ngọc Linh.
Một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tu Mơ Rông bày tỏ ngạc nhiên: "Chúng tôi là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ doanh nghiệp từ đầu. Ngày 14/5, Chi cục từ chối cấp mã, nhưng đến ngày 29/5 lại ban hành chứng nhận mà không hề có sự phối hợp hay thông báo với Phòng. Không rõ họ có đi kiểm tra thực tế hay không".
Sản lượng cao bất thường
Không chỉ bất thường về thời gian cấp mã, con số sản lượng trong giấy chứng nhận cũng gây tranh cãi. Với 2,1 ha được xác nhận sản lượng 3 tấn, tương đương 1,5 tấn/ha – mức sản lượng mà người dân địa phương và các chuyên gia đánh giá là "khó tin".
Một nông dân trồng sâm tại xã Măng Ri chia sẻ: "Chúng tôi trồng sâm trên rừng hơn 10 năm, chăm bón nghiêm ngặt, nhưng mỗi hecta chỉ thu được vài tạ. Nếu 1,5 tấn/ha là thực tế thì chẳng ai phải trồng mười năm mới có thu." Theo các chuyên gia, năng suất này thiếu cơ sở khoa học, và tiềm ẩn nguy cơ sâm giả, sâm kém chất lượng có thể được đưa vào thị trường dưới vỏ bọc "hợp pháp". Trong bối cảnh thị trường sâm đang "nóng" và giá trị kinh tế ngày càng cao, việc xác nhận mã số vùng trồng đi kèm sản lượng không thực tế có thể dẫn đến gian lận thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu "sâm quốc bảo".

Hình ảnh sâm được trông trong nhà màn của Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Không chỉ dừng ở việc được cấp mã một cách bất thường, doanh nghiệp này từng vướng nhiều tai tiếng. Đầu năm 2023, nhiều cơ quan báo chí phản ánh Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum không có vùng nguyên liệu liên kết với người dân bản địa nhưng vẫn quảng bá sản phẩm mang thương hiệu "Sâm Ngọc Linh". Nhiều ý kiến cho rằng công ty thu gom sâm trôi nổi, không rõ nguồn gốc để chế biến. Tháng 5/2022, doanh nghiệp này còn được xác nhận là đơn vị "đang trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh" bởi một lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông. Tuy nhiên, sau rà soát, UBND huyện xác định văn bản này chưa phản ánh đúng thực tế và đã ra quyết định thu hồi, công bố trên các phương tiện truyền thông.
Hiện tại, theo chính quyền huyện Tu Mơ Rông, công ty này không có hoạt động trồng sâm liên kết với dân, chỉ triển khai dự án nuôi cấy mô – nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết quả hay thu hoạch thực tế.
Việc một doanh nghiệp không có vùng trồng thực tế, không minh bạch trong liên kết sản xuất, lại được cấp mã số vùng trồng chỉ sau 15 ngày bị từ chối, đặt ra dấu hỏi lớn về quy trình thẩm định và giám sát. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trrong lĩnh vực về dược liệu bày tỏ quan ngại, nếu những trường hợp như vậy không được kiểm tra, xử lý nghiêm minh, hệ thống cấp mã số vùng trồng – vốn được xem là hàng rào kỹ thuật bảo vệ chất lượng sâm Ngọc Linh – sẽ trở thành tấm bình phong cho sản phẩm thương mại hóa kém chất lượng len lỏi vào thị trường, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và làm tổn hại nghiêm trọng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh quốc gia.
Bình luận (0)