Khi người trẻ sống “hai cuộc đời”: Một để kiếm sống, một để giữ ước mơ

Thu Thảo

06/06/2025 09:56 GMT+7

VTV.vn - Ai cũng có đam mê, nhưng không phải ai cũng có cơ hội theo đuổi. Nhiều người trẻ ngày nay vẫn phải vừa mưu sinh, vừa giữ lửa cho ước mơ của mình.

Khi đam mê không đủ nuôi sống ước mơ

Ngày nay, nhiều người trẻ đang phải đối diện với gánh nặng mưu sinh và ước mơ dang dở. Thực tế cho thấy, không phải bạn trẻ nào cũng có một “bệ đỡ kinh tế” từ gia đình hay điều kiện để thực hiện những điều mình muốn. Sự khắc nghiệt của thị trường lao động buộc họ phải chọn công việc dựa trên khả năng để trang trải cuộc sống. Những gì họ từng gọi là “đam mê” bị đẩy lùi về một góc khuất, chỉ tồn tại ngoài giờ như một thú chơi tinh thần hơn là một sự nghiệp bền vững.

Phạm Tú (31 tuổi, Hà Nội) được biết đến là một chàng nhiếp ảnh tài hoa, nổi tiếng với những bức hình nhẹ nhàng và đậm chất thơ. Ảnh của Tú đặc biệt ở chỗ người ta nhìn vào là thấy hiện lên cả một câu chuyện. Anh chia sẻ: “Nhiếp ảnh và tôi như đôi bạn tri kỉ, đồng hành và trưởng thành cùng nhau”. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau “tay nháy” ấy là một người bán hàng đã đi khắp cùng trời cuối đất để mưu sinh. 

“Học đại học một ngành không phù hợp nên mình đã dừng lại. Như bao người khác, mình bắt đầu cuộc sống mưu sinh. Mình đã chạy xe khắp các ngõ ngách ở Hà Nội để bán hàng. Nhiều cô chú tiểu thương trò chuyện, biết mình thích nhiếp ảnh mà vẫn chăm chỉ làm việc nên quý mến và ủng hộ mình. Từ một người mày mò chụp ảnh bằng chiếc điện thoại 3 triệu đồng, giờ đây mình đã có máy ảnh và có mục đích sống”. Với anh, nhiếp ảnh không còn là đam mê nữa, nó đã trở thành tình yêu và sự gắn kết. Bởi vậy mà khó khăn, vất vả cỡ nào để “sống” với nó, anh cũng chấp nhận.

Khi người trẻ sống “hai cuộc đời”: Một để kiếm sống, một để giữ ước mơ - Ảnh 1.

Phạm Tú (cầm máy ảnh) bên các em nhỏ vùng cao.

Ngọc Ánh (30 tuổi, Phú Thọ) là một công nhân may, chỉ học đến lớp 9 nhưng có niềm yêu thích rất lớn với văn chương. Chị tâm sự: “Từ nhỏ, mình đã thiếu thốn tình cảm của gia đình. Mình ở với bà nội, bà nghèo lắm nên mình chỉ học hết cấp hai. Đi làm công nhân là cơ hội duy nhất để mình kiếm tiền. Nhưng trong suốt mười năm lao động chân tay vất vả, chưa bao giờ mình hết tình yêu với văn học. Mình thích sáng tác truyện cho thiếu nhi, gộp lại đã thành mấy tập. Ước mơ của mình là được xuất bản những câu chuyện ấy.”

Tú và Ánh chỉ là hai trong rất nhiều người ngoài kia đang chật vật “sinh tồn”. Công việc hằng ngày có thể cực nhọc nhưng đổi lại cho họ một mức lương “vừa vặn”, còn đam mê thì chỉ cho họ thỏa mãn những mưu cầu về tinh thần nếu còn đủ sức lực để theo đuổi nó sau một ngày dài làm việc. Điều này khiến nhiều người rơi vào trạng thái “lơ lửng”: không từ bỏ đam mê nhưng cũng không thể sống được bằng nó, không toàn tâm cho công việc chính nhưng cũng không đủ điều kiện để theo đuổi điều mình yêu.

Hệ lụy khi sống “hai cuộc đời”

Với đa số người trẻ, đam mê trở thành một “nghề phụ trong mơ” được gắn kèm theo một công việc thực tế khác. Và đôi khi, chính áp lực phải “làm thêm để được làm điều mình thích” khiến nhiều người rơi vào trạng thái kiệt sức về cả thể chất lẫn tinh thần.

“Mặc dù nhiếp ảnh đã cho mình những cảm xúc, cơ hội, bạn bè mới và ‘nuôi sống’ mình những năm ngoái khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng để ‘sống’ được với nó, mình đã phải đánh đổi cả thời gian, sức khỏe bởi vốn dĩ mình không có điều kiện để theo nghề. Nhớ lại, có những lúc lạc đường, làm sai, có những lúc không có nổi một nghìn trong túi. Mình khó khăn và mất phương hướng tới mức trầm cảm, sống thu mình lại và muốn dừng lại tất cả mọi thứ” - Phạm Tú chia sẻ.

Khi người trẻ sống “hai cuộc đời”: Một để kiếm sống, một để giữ ước mơ - Ảnh 2.

Trái ngược với một Phạm Tú năng lượng bên chiếc máy ảnh là một Phạm Tú với chiếc xe cồng kềnh trên khắp các nẻo đường Hà Nội.

Còn chị Ánh, có những ngày đi làm về, mệt rã rời sau ca làm kéo dài hơn 10 tiếng, chị chỉ muốn nằm xuống nghỉ ngơi. “Nhiều hôm đầu óc quay cuồng, chân tay tê mỏi, chỉ muốn đi ngủ luôn. Nhưng cứ nghĩ đến mấy câu chuyện còn dang dở, mình lại cố gắng viết từng dòng. Có hôm viết quên cả giờ, đến khuya mới ngủ. Sáng hôm sau lại dậy sớm đi làm tiếp, người thì mệt mà lòng lại thấy vui vì mình vẫn không bỏ cuộc. Tuy nhiên, đi làm trong trạng thái như thế, người mình uể oải, thiếu tập trung và sản lượng công việc không thể tốt được” - chị cười, ánh mắt vừa tự hào, vừa có chút xót xa.

Những người trẻ như anh Tú và chị Ánh đang phải học cách sống “hai cuộc đời”: một để tồn tại, một để giữ lấy phần bản sắc cá nhân mà họ không muốn từ bỏ. Các nhà xã hội học gọi hiện tượng này là “phân mảnh bản sắc” (identity fragmentation), nghĩa là một cá nhân buộc phải chia tách chính mình để thích nghi với nhiều vai trò khác nhau trong cuộc sống. Một mặt, họ cần đóng vai trò “người làm thuê” trong guồng quay kinh tế, mặt khác, họ cố gìn giữ đam mê của mình.

Sống “hai cuộc đời” là lựa chọn của không ít người trẻ hôm nay. Nhưng nếu xã hội có thể tạo ra nhiều hơn những “vùng đệm” như chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, không gian nuôi dưỡng nghệ thuật, hay đơn giản là một sự công nhận đúng mức với những nỗ lực cá nhân thì có lẽ, đam mê sẽ không còn là điều quá xa xỉ. Một thế hệ được sống trọn vẹn là nền móng của một xã hội phát triển lành mạnh, cả về kinh tế lẫn tinh thần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.