Với mong muốn cập nhật tình hình các bệnh truyền nhiễm mùa hè và vaccine phòng ngừa kịp thời, vào tối 21/7 vừa qua, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Báo điện tử VTV thực hiện Chương trình Tư vấn trực tuyến: "Thủy đậu, Viêm màng não, Viêm não Nhật Bản và các bệnh nguy hiểm mùa hè - Cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả".
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, gồm BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh, BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh và BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Trong vòng 2 tiếng chương trình diễn ra, đã có hàng chục ngàn người theo dõi cũng như hàng trăm câu hỏi được gửi tới các chuyên gia. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Viêm não Nhật Bản, viêm màng não gia tăng
Theo ghi nhận tại một số bệnh viện, từ đầu mùa hè đến nay, số trường hợp nhập viện vì các bệnh viêm não Nhật Bản, viêm màng não gia tăng.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân của bệnh nhiễm viêm não Nhật Bản là do muỗi Culex (mũi ruộng) truyền bệnh.
Nếu không được điều trị sớm, trẻ mắc viêm não có thể gặp phải nhiều di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển, khả năng vận động và tư duy. "Ở thời điểm 15-20 năm về trước, số ca mắc bệnh viêm não Nhật Bản nằm la liệt ở khoa Nhiễm. Tỷ lệ tử vong của bệnh rất cao và một nửa số bệnh nhân có thể bị tổn thương não vĩnh viễn. Hiện nay, nhờ vaccine phòng ngừa nên chỉ còn ít bệnh", BS Khanh nhớ lại.
"Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường là sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn vọt, ý thức không lanh lợi, thóp phồng, cha mẹ cần cho con đi khám để được chẩn đoán, điều trị sớm. Tuyệt đối không tự cho trẻ điều trị tại nhà", BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh lưu ý.

BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tham gia buổi tư vấn trực tuyến.
Bệnh viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do các vi khuẩn não mô cầu, phế cầu, E.coli, Hib... gây ra. Vi khuẩn hoặc siêu vi sau khi tấn công cơ thể sẽ vào máu, xâm nhập lớp màng mỏng bao bọc xung quanh não và dịch não tủy gây bệnh.
BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết với tiến bộ của nền y học, viêm màng não có thể điều trị nếu phát hiện sớm, hạn chế di chứng cho trẻ, tuy nhiên thời gian điều trị sẽ kéo dài.
BS Trương Hữu Khanh bổ sung viêm màng não có triệu chứng ban đầu gồm sốt, mệt mỏi. Ở trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) trẻ có thêm dấu hiệu quấy khóc nhiều, thóp phồng. Ở trẻ lớn, bên cạnh sốt, các triệu chứng có thể là đau đầu, nôn ói, cứng gáy.
"Tuy nhiên nhiều phụ huynh thường chỉ nhận biết triệu chứng điển hình nhất là sốt và chủ quan rằng con chỉ bị viêm hô hấp thông thường, mắc bệnh vặt do thời tiết nên tự mua thuốc hạ sốt điều trị tại nhà, không đưa trẻ đi khám", BS Khanh cảnh báo.
Biến chứng thủy đậu nặng ở người lớn
Trong thời gian gần đây, số ca mắc thủy đậu tăng cao, tập trung ở nhóm đối tượng người lớn, có nhiều trường hợp đã tử vong.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bệnh thủy đậu thường lành tính, triệu chứng ít nặng nề. Tuy nhiên, bệnh có khả năng gây biến chứng nếu không được chăm sóc đúng cách hoặc bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm. Các biến chứng gồm: nhiễm trùng da để lại sẹo xấu, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tổn thương thần kinh, viêm gan, viêm cơ tim, viêm mạch máu, viêm khớp, viêm tinh hoàn…
Nhiều trường hợp dù đã điều trị khỏi bệnh thủy đậu nhưng virus thủy đậu vẫn "ngủ đông" (tồn tại dưới dạng bất hoạt) trong các hạch thần kinh. Khi sức đề kháng cơ thể kém, virus tái hoạt động gây bệnh giời leo hay còn gọi là zona thần kinh.
BS Trương Hữu Khanh lưu ý nếu không muốn mắc bệnh zona thần kinh thì cần phải tiêm phòng vaccine thủy đậu. Nếu đã mắc thủy đậu thì chỉ có tiêm vaccine zona thần kinh nhưng hiện tại Việt Nam vẫn chưa có vaccine này.
Bên cạnh đó, các bác sĩ lưu ý thai phụ mắc thủy đậu, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể lây cho trẻ và tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Do vậy, người lớn chưa từng mắc thủy đậu và thai phụ cần tiêm ngừa vaccine thủy đậu để ngừa bệnh cũng như zona thần kinh và truyền kháng thể bảo vệ cho con.

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh tham gia buổi tư vấn trực tuyến.
Chích ngừa là khoản đầu tư tiết kiệm
Theo các chuyên gia, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều trẻ em đã không được tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh cần thiết, dẫn đến có thể mắc bệnh trong thời gian tới nếu không tiêm bù các vaccine đó. Trong đó, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây quá tải y tế nếu lây lan mạnh như sởi, cúm, thủy đậu, Rotavirus…
BS Bạch Thị Chính nhấn mạnh, việc tiêm chủng phòng bệnh không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Hiện VNVC có các loại vaccine gồm: vaccine viêm não Nhật Bản Imojev (Pháp), Jevax (Việt Nam), JEEV (Ấn Độ). Trong đó, Imojev được tiêm cho người từ 9 tháng tuổi trở lên, vaccine JEEV và Jevax tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, người lớn.
Vaccine Menactra (Mỹ) phòng 4 tuýp não mô cầu gồm A, C, Y ,W135, tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi đến người 55 tuổi. Trẻ từ 9 đến 23 tháng tuổi sẽ tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, từ 2 tuổi trở lên tiêm một mũi.
3 loại vaccine phòng bệnh thủy đậu gồm vaccine Varilrix (Bỉ) tiêm sớm cho người từ 9 tháng tuổi, vaccine Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi, người lớn.
Theo BS Trương Hữu Khanh, chích ngừa là khoản đầu tư tiết kiệm. Ở các nước hiện đại như Mỹ, nhà nước đưa vào chủng ngừa cho dân số rất nhiều loại vaccine nên người dân ít bệnh hơn. Còn ở Việt Nam, Nhà nước hiện chưa có nhiều nguồn lực đầu tư cho người dân tiêm miễn phí nhiều loại nên cần được tiêm thêm vaccine dịch vụ. Nay mắn là Việt Nam hiện nay đã có gần như đầy đủ vaccine, so với trước đây nhiều người còn phải ra nước ngoài để tiêm.
BS Khanh cũng khuyến khích người dân đăng ký gói, đặt trước vaccine để an tâm tiêm khi đến lịch bởi có những thời điểm dịch bệnh bùng phát xung quanh nên dẫn đến khan hiếm vaccine, nguy cơ nhiễm bệnh lớn.
BS Bạch Thị Chính cho biết để giải tỏa lo ngại vấn đề kinh phí khi tiêm vaccine cho phụ huynh, hiện VNVC cũng có nhiều chương trình cho người dân đăng ký gói vaccine tiêm trước trả tiền sau trong vòng nhiều tháng với lãi suất 0 đồng do VNVC hỗ trợ.
Bình luận (0)