Ngày 1/7 tới đây, chính quyền địa phương hai cấp ở các tỉnh thành mới sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là bước đi mang tính lịch sử, tạo ra một không gian phát triển mới, thúc đẩy kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng quản trị quốc gia. Các địa phương đã và đang khẩn trương hoàn tất chuẩn bị để bộ máy vận hành thông suốt ngay từ ngày đầu.

Sáng 12/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025 với 461/465 Đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành
"Việc sắp xếp, bố trí đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp xã nói chung và chính quyền địa phương các cấp nói riêng đã được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo rất quyết liệt, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng. Nhiều chỉ đạo và định hướng đã được ban hành thông qua các kết luận cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện", ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ chia sẻ.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, bố trí đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp xã sau sáp nhập
Việc sáp nhập giúp mở rộng quy mô diện tích và dân số các tỉnh, tạo ra không gian phát triển mới. Đơn cử, Lào Cai sáp nhập với Yên Bái sẽ tăng gần gấp đôi diện tích và dân số hơn 1,6 triệu người, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư hạ tầng và phát triển kinh tế vùng.
"Đây là một cuộc cách mạng rất lớn. Tôi từng công tác, lãnh đạo ở địa phương và cảm nhận rõ sự đồng tình, xúc động và kỳ vọng của cử tri đối với chủ trương này. Sự xúc động xuất phát từ tình cảm gắn bó với quê hương, trong khi kỳ vọng là niềm tin vào một tương lai phát triển mới, hiệu quả hơn, gần dân hơn", ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chia sẻ.

Ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chia sẻ về việc Chính phủ đã ban hành đồng bộ 28 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương hai cấp
Nghị quyết lịch sử này sẽ tạo động lực mới để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giúp người dân giải quyết công việc ngay tại nơi cư trú, giảm chi phí, thời gian và công sức đi lại.
"Việc phân cấp mạnh mẽ, giao quyền cho các cấp cơ sở như xã, phường sẽ tạo ra những chuyển biến rất hiệu quả. Người dân được phục vụ ngay tại nơi cư trú, không phải đi xa để giải quyết thủ tục hành chính. Chính quyền sẽ gần dân hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian, đồng thời hiểu rõ hơn nhu cầu của người dân", ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đồng, Chính phủ đã ban hành đồng bộ 28 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương hai cấp. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để bộ máy chính quyền hai cấp vận hành thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên cả nước.
"Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và đặc biệt của Chính phủ. Tôi kỳ vọng hệ thống đồng bộ này sẽ bảo đảm chính quyền địa phương vận hành hiệu quả, hiệu năng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Yếu tố tiên quyết để vận hành hiệu quả mô hình này là đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đủ phẩm chất và dám chịu trách nhiệm hành động vì người dân. Bên cạnh đó là hệ thống quản lý minh bạch, đồng bộ và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin", ông Phan Trung Tuấn nhận định.
Công tác chuẩn bị ở các địa phương đang được triển khai quyết liệt. Từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh đến các tỉnh miền núi phía Bắc đều đã vận hành thử nghiệm bộ máy mới ở các trung tâm hành chính công, xã phường, ghi nhận sự thông suốt, hiệu quả ban đầu. Việc tinh gọn bộ máy hành chính đồng nghĩa với lộ trình giảm biên chế hợp lý, phù hợp yêu cầu thực tiễn. Trước mắt, số lượng cán bộ công chức giữ nguyên, nhưng sẽ tinh giản theo lộ trình 5 năm, đảm bảo bộ máy tinh gọn, vận hành hiệu quả.

Ngày 10/6, nhiều xã trọng điểm tại Bình Dương đã đồng loạt vận hành thử Trung tâm hành chính công mới sau khi hoàn tất quá trình sáp nhập hai cấp
"Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và bỏ hoàn toàn cấp huyện theo lộ trình chắc chắn sẽ dẫn đến yêu cầu tinh gọn biên chế. Trước mắt số lượng biên chế vẫn được giữ nguyên, nhưng sẽ giảm dần theo lộ trình đã được quy định cho giai đoạn 5 năm tới. Lần đầu tiên, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã được tổ chức với tối đa ba phòng. Nghị định mới quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức để chính quyền sát dân, gần dân và phục vụ tốt hơn", ông Phan Trung Tuấn cho biết.
Một điểm đổi mới căn bản là tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã. Đây là lần đầu tiên cấp xã có tối đa ba phòng chuyên môn với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, giúp bộ máy sát dân hơn, gần dân hơn và phục vụ người dân tốt hơn.
Người dân các địa phương bày tỏ niềm tin vào bộ máy mới. Họ kỳ vọng chính quyền sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa, phục vụ nhân dân tận tụy, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử địa phương. Mô hình chính quyền hai cấp được kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho chính quyền địa phương, góp phần xây dựng đất nước phát triển mạnh mẽ, bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới.
Bình luận (0)