Xã Chân Mây - Lăng Cô trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp

Quang Hải - Nguyễn Trọng

01/07/2025 21:48 GMT+7

Ngày 1/7, xã Chân Mây – Lăng Cô (TP Huế) chính thức bước vào guồng máy chính quyền địa phương hai cấp, đây là mô hình tổ chức bộ máy mới được triển khai đồng loạt trên toàn quốc. Một ngày làm việc tưởng chừng bình thường, nhưng phía sau là cả một thay đổi lớn về cách vận hành chính quyền, từ tổ chức bộ máy đến tiếp cận người dân.

Không còn "lên huyện"

Xã Chân Mây – Lăng Cô được thành lập trên cơ sở sáp nhập bốn đơn vị hành chính cũ gồm xã Lộc Thủy, xã Lộc Vĩnh, xã Lộc Tiến và thị trấn Lăng Cô. Sau sắp xếp, xã mới có quy mô dân số gần 51.000 người, trải rộng trên diện tích khoảng 261 km².

8 giờ sáng, trung tâm hành chính xã Chân Mây – Lăng Cô đã bắt đầu nhịp làm việc trong không khí trật tự và chuyên nghiệp. Người dân lần lượt đến làm các thủ tục hành chính quen thuộc như xác nhận cư trú, trích lục khai sinh, giấy tờ đất đai… Nhưng thay vì phải đi hàng chục cây số lên huyện, nay mọi thứ được giải quyết ngay tại địa phương, với hệ thống một cửa vận hành trơn tru, dữ liệu kết nối trực tiếp với TP Huế.

Xã Chân Mây - Lăng Cô trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp - Ảnh 1.

Ông Cái Lê Chính Đạo - PCT UBND xã Chân Mây - Lăng Cô tận tình hướng dẫn người dân khi đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công của xã.

Ông Phạm Hữu Độ, cư dân tổ dân phố Lăng Cô, vừa hoàn tất hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh, chia sẻ: "Trước đây cái giấy phép này phải lên tận Phú Lộc, mất nửa ngày. Giờ chỉ cần đến xã, ngồi chừng 15 phút là có cán bộ hướng dẫn tận tình, làm nhanh gọn. Tiện hơn rất nhiều."

Trong sáng đầu tiên áp dụng mô hình mới, xã đã tiếp nhận và xử lý hơn 50 hồ sơ hành chính. Phần mềm chuyên dụng và ứng dụng dịch vụ công được cán bộ thao tác thành thạo, một số hồ sơ chuyên môn sâu như đất đai cũng được phối hợp xử lý trực tuyến với các phòng ban cấp thành phố.

Ông Bùi Xuân Hậu, người dân thôn Cảnh Dương, cũng tỏ ra hài lòng khi đến làm giấy khai sinh cho cháu: "Tôi nghĩ xã mới sáp nhập chắc còn lộn xộn, ai ngờ cán bộ làm việc đâu ra đó. Họ còn hướng dẫn cài app để theo dõi kết quả, không phải đi lại nhiều lần."

Xã Chân Mây - Lăng Cô trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp - Ảnh 2.

Ông Bùi Xuân Hậu bất ngờ vì những thủ tục giấy tờ được thực hiện một cách tinh gọn và nhanh chóng hơn.

Theo ông Trần Văn Minh Quân – Chủ tịch UBND xã Chân Mây – Lăng Cô, trong ngày đầu vận hành mô hình chính quyền hai cấp, bộ máy hơn 40 người của xã đã ổn định tổ chức và thực hiện công việc một cách nhịp nhàng. "Chúng tôi xác định rõ: điều quan trọng nhất là không để người dân cảm thấy bất tiện trong giai đoạn chuyển đổi. Từ tiếp nhận đến xử lý hồ sơ đều được triển khai bình thường, chỉ khác là hệ thống giờ đã tinh gọn và kết nối trực tiếp với thành phố."

Cỗ máy bắt đầu chạy, nhưng áp lực không nhỏ

Từ ngày 1/7, cả nước chính thức giảm từ 63 xuống còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh/ thành phố. Cùng với đó, số đơn vị hành chính cấp xã cũng giảm mạnh, từ hơn 10.000 xuống còn 3.321. Xã Chân Mây – Lăng Cô là một trong những đơn vị hành chính mới, hình thành sau sáp nhập nhiều xã cũ thuộc vùng kinh tế động lực phía Nam TP Huế.

Việc chuyển từ mô hình ba cấp về hai cấp không đơn thuần là thay đổi bộ máy, mà kéo theo hàng loạt điều chỉnh chức năng. Chính quyền cấp xã nay phải đảm nhiệm nhiều phần việc vốn thuộc cấp huyện: từ giải phóng mặt bằng, giám sát môi trường, quản lý đất đai đến theo dõi tiến độ các dự án đầu tư…

"Chúng tôi phải học nhiều hơn, làm nhiều hơn, nhưng đổi lại là trách nhiệm cũng rõ ràng hơn. Trước đây xã chỉ tiếp nhận rồi chuyển hồ sơ, giờ phải xử lý đến nơi đến chốn. Có quyền ký, có trách nhiệm đến cùng" Ông Quân chia sẻ.

Xã Chân Mây - Lăng Cô trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp - Ảnh 3.

Ngày đầu vận hành chính quyền 2 cấp người dân đã đến xã rất đông để làm những thủ tục hành chính.

Đặc thù của Chân Mây – Lăng Cô cũng tạo thêm áp lực cho bộ máy mới. Đây không phải là xã thuần nông, mà là điểm giao thoa giữa cảng nước sâu, khu kinh tế, khu công nghiệp và du lịch. Không ít cụm dân cư nằm cách trụ sở UBND xã hành chục cây số, gây khó khăn trong tiếp cận dịch vụ hành chính.

"Chúng tôi đang tính đến phương án mở thêm các điểm tiếp nhận hồ sơ ở gần dân hơn. Vừa tạo thuận tiện cho người dân, vừa giảm tải cho bộ máy ở trung tâm xã" ông Quân cho biết.

Dù vậy, tín hiệu tích cực là rõ ràng: người dân đã có thể giải quyết công việc ngay tại xã, không còn cảnh chen chúc đi huyện, rồi ngược về trong ngày.

Xã Chân Mây – Lăng Cô bắt đầu vận hành chính quyền 2 cấp với guồng máy vận hành trật tự, không gián đoạn. Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Để mô hình chính quyền hai cấp thật sự phát huy hiệu quả, không chỉ xã phải học cách làm mới, mà cả hệ thống cũng cần thay đổi cách hỗ trợ, linh hoạt, kịp thời và thực chất. Chỉ như vậy, những kỳ vọng từ mô hình mới mới có thể đi vào đời sống một cách bền vững hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.