
Kính thiên văn vô tuyến ASKAP phát hiện tín hiệu mạnh từ vệ tinh NASA ngừng hoạt động năm 1967. (Ảnh: Alex Cherney/CSIRO)
Giữa tháng 6 vừa qua, các nhà thiên văn học tại Australia đã phát hiện một tín hiệu vô tuyến lạ gần Trái Đất, mạnh đến mức trong khoảnh khắc đã nổi trội hơn mọi nguồn phát sóng khác trên bầu trời. Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, nguồn phát được xác định là từ một vệ tinh đã “chết” từ lâu - Relay 2, được phóng vào không gian từ năm 1964.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu tại Viện Thiên văn Vô tuyến Curtin (Australia) tưởng rằng họ đã phát hiện một vật thể chưa từng biết đến gần Trái Đất. Tuy nhiên, dữ liệu từ kính thiên văn ASKAP cho thấy tín hiệu phát ra từ khoảng cách chỉ 4.500 km, quá gần để là một vật thể thiên văn. So sánh vị trí cho thấy trùng khớp gần như tuyệt đối với vệ tinh Relay 2.
Relay 2 từng là vệ tinh thông tin liên lạc thử nghiệm của NASA, nhưng chỉ ba năm sau khi được phóng, nó đã ngừng hoạt động và trở thành rác không gian. Kể từ đó đến nay, vệ tinh này vẫn trôi dạt vô định quanh Trái Đất.

Hình ảnh mờ với tín hiệu sáng ở giữa khiến các nhà thiên văn bối rối. (Ảnh: Marcin Glowacki)
Các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết: Giả thuyết chính cho rằng một lượng điện tích tĩnh điện đã tích tụ trên bề mặt kim loại của vệ tinh trong thời gian dài, đến một ngưỡng nhất định đã tạo ra hiện tượng phóng tia lửa điện. Đây là hiện tượng tương tự như khi con người chạm tay phát tia lửa sau khi cọ xát trên thảm. Tín hiệu phát ra chỉ kéo dài 30 nanogiây, nhưng cường độ mạnh gấp 2.000 đến 3.000 lần mọi tín hiệu khác được ghi nhận.
Giả thuyết thứ hai, ít khả năng hơn, cho rằng một vi thiên thạch kích thước dưới 1 mm va chạm với vệ tinh ở tốc độ rất cao, tạo ra plasma nóng phát ra sóng vô tuyến. Tuy nhiên, trường hợp này đòi hỏi điều kiện rất đặc biệt để xảy ra.

Vệ tinh liên lạc Relay 2 được NASA phóng năm 1964 và ngừng hoạt động sau ba năm. (Ảnh: NASA)
Sự kiện này cảnh báo về nguy cơ nhiễu sóng từ các vệ tinh không còn hoạt động, một yếu tố có thể làm gián đoạn hoặc gây hiểu nhầm trong các quan sát thiên văn. Từ khi bắt đầu kỷ nguyên không gian, đã có gần 22.000 vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, nhưng chỉ hơn một nửa trong số đó còn hoạt động. Phần còn lại tạo thành một bãi rác không gian với hàng triệu mảnh vỡ bay quanh Trái Đất ở tốc độ lên tới 29.000 km/h.
Các chuyên gia cho rằng khi số lượng vệ tinh tiếp tục tăng mạnh, việc phân biệt giữa tín hiệu thiên văn thực sự và tín hiệu từ các vật thể nhân tạo sẽ ngày càng khó khăn, đòi hỏi thiết bị quan sát và phân tích tinh vi hơn.
Bình luận (0)