Vi phạm bản quyền từ thói quen “miễn phí”

Ban Thời sự

30/05/2025 12:49 GMT+7

VTV.vn - Thói quen sử dụng các tài sản "miễn phí" của người dùng trên mạng xã hội đang vô tình tiếp tay cho tội phạm bản quyền.

Từ phóng sự gốc của Đài Truyền hình Việt Nam về vụ án kẹo rau Kera, trên mạng xã hội ngay lập tức xuất hiện hàng loạt clip sao chép, cắt ghép, thêm các bình luận mà không được sự cho phép của VTV. Những clip này sau đó lan truyền, thu hút hàng ngàn, hàng vạn lượt xem.

Việc từ một nội dung gốc của VTV chỉ sau một vài phút đã biến thành nội dung của một tài khoản Facebook, Tiktoker hay Youtuber nào đó chính là ví dụ dễ thấy nhất của hành vi vi phạm bản quyền trên mạng xã hội. Đáng tiếc là hiện tượng này vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, thậm chí nhiều người xem đó là bình thường. Theo một nghiên cứu mới nhất năm 2025, 66% người Việt Nam trong độ tuổi từ 18 - 24 xem các nội dung vi phạm bản quyền. Còn trong độ tuổi từ 35 - 45 tuổi, tỷ lệ này là 53%, giữ vị trí số một trong khu vực. Đây là danh hiệu mà chẳng ai mong muốn.

Thực tế, người xem có thể không biết nội dung mình xem có vi phạm bản quyền không. Tuy nhiên, người làm ra nội dung đó thì chắc chắn biết. Họ chính là những người chủ động sử dụng các thủ thuật, chiêu trò để lách qua hàng rào kỹ thuật rà quét của các nền tảng mạng xã hội, để câu view, câu like và từ đó kiếm tiền từ các nội dung của người khác.

Mạng xã hội nào cũng có những điều khoản, những quy định của quyền tác giả, có công cụ rà quét tự động cho đến những cơ chế khiếu nại, gỡ bỏ bổ sung vi phạm. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều lỗ hổng, những bất cập khiến các nhà sáng tạo nội dung cảm thấy chưa thực sự tôn trọng và bảo vệ.

Từ năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các biện pháp đấu tranh quyết liệt với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng xuyên biên giới, nhằm buộc các nền tảng này tuân thủ pháp luật Việt Nam, cụ thể nhất đó là yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm. Tuy nhiên, đa số các nội dung được yêu cầu gỡ bỏ liên quan đến vi phạm an ninh quốc gia hoặc là thuần phong mỹ tục, không phải là các vi phạm bản quyền.

Một nghịch lý là nếu ai đó vào cửa hàng hay siêu thị để lấy cắp một món đồ thì sẽ ngay lập tức bị lên án, định tội. Thế nhưng, trên không gian số, những tài sản tinh thần như là một bài hát, một đoạn phim, bài báo hay cuốn sách lại dễ dàng bị đánh cắp, trong khi tội phạm vẫn nhởn nhơ, thậm chí là nhiều người còn coi đó là bình thường. Chính người dùng lại đang vô tình tiếp tay cho tội phạm bản quyền.

“Người thật sự muốn đầu tư cho các sản phẩm có ý nghĩa, giá trị cao sẽ chán, nản và dần dần chúng ta sẽ bị mất đi những sản phẩm có giá trị, sẽ còn lại là những thứ tầm phào, thậm chí có thể là rác rưởi. Tại sao có những phim ngắn hài hoặc video tràn lan rất nhiều? Chúng được sản xuất theo kiểu đầu tư rất hạn chế, hời hợt từ kịch bản đến bối cảnh, đạo cụ… Vì người ta vốn muốn sản xuất những gì thật rẻ tiền, sợ rằng đầu tư giá trị cao thì cũng mất. Như vậy, thế hệ trẻ lớn lên sẽ không sáng tạo nữa. Bản thân chính những người đó cũng sẽ đặt vấn đề tại sao họ phải sáng tạo nếu như mọi người đều có thể đọc chùa, xem chùa như vậy, người ta sẽ mất đi năng lượng sáng tạo. Đó là một viễn cảnh khá bi đát”, ông Lê Quốc Vinh - Chuyên gia truyền thông chia sẻ về hậu quả của vi phạm bản quyền tới văn hóa.

Có lẽ không ai muốn hình dung về một tương lai 10 - 15 năm nữa khi thế hệ công dân tương lai là những đứa trẻ lười biếng, èo uột, không còn động lực sáng tạo. Vì thế, việc thiết lập luật chơi bản quyền minh bạch, công bằng trên các nền tảng mạng xã hội là vô cùng quan trọng, nhất là với Việt Nam - một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng Internet và mạng xã hội. Trách nhiệm của các nền tảng, trách nhiệm của người dùng và có lẽ cũng cần đến trách nhiệm cao hơn nữa từ các cơ quan chức năng để thiết lập sự tương thích giữa quy định của các nền tảng xuyên biên giới với pháp luật Việt Nam.

Nhức nhối thực trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số Nhức nhối thực trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số

VTV.vn- Doanh nghiệp sáng tạo tốn kém mua bản quyền, đầu tư hạ tầng, biên tập, trong khi tội phạm bản quyền "ngồi mát ăn bát vàng", khiến triệt tiêu động lực sáng tạo sản phẩm mới.

Tin liên quan

Nhức nhối thực trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số

Nhức nhối thực trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số

VTV.vn- Doanh nghiệp sáng tạo tốn kém mua bản quyền, đầu tư hạ tầng, biên tập, trong khi tội phạm bản quyền "ngồi mát ăn bát vàng", khiến triệt tiêu động lực sáng tạo sản phẩm mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.