Đổi mới sản phẩm du lịch gắn với bảo tàng: Hiện vật cũ, câu chuyện mới

Ban Thời sự

12/05/2023 14:03 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, nhiều bảo tàng đã nỗ lực đổi mới hoạt động, cách tiếp cận với công chúng.

Trước đây, nói đến tham quan bảo tàng, nhiều người thường cảm thấy ngần ngại bởi sự khô cứng, nhàm chán tẻ nhạt, thì nay nhiều bảo tàng đã trở thành các điểm đến hấp dẫn. Hiện nay, cả nước có 188 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ trên 4 triệu hiện vật. Thời gian qua, nhiều bảo tàng đã nỗ lực đổi mới hoạt động, các tiếp cận với công chúng. Không ít bảo tàng đã mạnh dạn đưa các công nghệ tiên tiến vào hoạt động trưng bày như công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, công nghệ lưu trữ điện toán đám mây... giúp khách tham quan được chủ động tìm hiểu thông tin về hiện vật với cảm giác tự khám phá, trải nghiệm. Điều này rất hấp dẫn với giới trẻ vốn yêu thích công nghệ và khám phá.

Đại dịch COVID-19 và những tổn thất mà nó gây ra đã buộc các bảo tàng phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận, phương thức hoạt động, tổ chức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và tư liệu theo nhiều cách khác nhau. Động hóa các hiện vật tĩnh, chủ động đưa di sản đến người dân thông qua hình thức lưu động, kết nối với chương trình dạy sử trong các trường học…. Bằng nhiều cách làm sáng tạo mà nhiều hiện vật, tư liệu hàng trăm năm, nghìn năm vốn nằm im lìm trong tủ kính, nay có một đời sống mới, gần gũi với công chúng. Và điều đáng nói là không chỉ một vài bảo tàng lớn mà nhiều bảo tàng địa phương như Bảo tàng Đà Nẵng, Điêu khắc Chăm, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, bảo tàng Lịch sử Tp HCM…cũng tham gia mạnh mẽ vào làn sóng đổi mới này.

Tuy nhiên, nhìn bức tranh tổng thể thì phải thừa nhận rằng sự phát triển của bảo tàng chưa tương xứng với tiềm năng. Trước đại dịch COVID-19, mỗi năm nước ta đón hàng chục triệu khách quốc tế, hơn 80 triệu khách nội địa nhưng bình quân một bảo tàng chỉ đón hơn 120.000 lượt khách tham quan/ năm, số bảo tàng đón trên 500.000 khách chỉ chiếm khoảng 5%. Chỉ khoảng một nửa bảo tàng có thể thu phí tham quan, một nửa miễn phí nhưng vẫn vắng khách, cần nhiều giải pháp để đổi mới sáng tạo hơn nữa.

"Cần xây dựng thương hiệu cho bảo tàng, cần phải phát triển khán giả cho bảo tàng, phát triển hơn nữa giáo dục cho bảo tàng và đặc biệt phù hợp với xã hội số, công dân số và văn hóa số", ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch văn hóa được xem là ngành mũi nhọn, trong đó có gắn với bảo tàng. Cần có thêm các bảo tàng hấp dẫn, góp phần tăng thêm thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch. Nếu biết phát huy một cách khoa học và đúng cách thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, hấp dẫn, không chỉ giúp đánh thức những giá trị văn hóa lịch sử, khơi dậy niềm tự hào trong thế hệ trẻ mà còn  tạo nguồn thu, để đầu tư ngược lại cho nghiên cứu, sưu tầm và gìn giữ các hiện vật, bảo vật quốc gia.

Tin liên quan

Mở cửa bảo tàng 3D ngôi nhà cũ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Mở cửa bảo tàng 3D ngôi nhà cũ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

VTV.vn - Nhân ngày giỗ lần thứ 22 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gia đình và Qũy Trịnh Công Sơn sẽ lần đầu mở cửa Bảo tàng 3D ngôi nhà cố nhạc sĩ sinh sống lúc sinh thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.