
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền làm việc với phường Lĩnh Nam.
Vận hành thông suốt, bộ máy mới vào guồng
Phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) được thành lập trên cơ sở hợp nhất các phường Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở và một phần phường Thanh Lương, với diện tích hơn 10km² và dân số hơn 20.000 người. Là một địa bàn rộng, tiếp giáp nhiều khu vực trọng yếu, Lĩnh Nam được coi là "cửa ngõ phía Nam" của Thủ đô.
Ghi nhận tại buổi làm việc ngày 2/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chỉ sau một ngày chính thức đi vào vận hành, toàn bộ bộ máy mới đã bước đầu ổn định, các thủ tục hành chính được xử lý nhanh chóng, không xảy ra tình trạng quá tải hay gián đoạn.

Đoàn công tác số 4 của TP Hà Nội kiểm tra điểm tiếp nhận phục vụ hành chính phường Lĩnh Nam.
Tại trụ sở mới đặt tại số 699 đường Lĩnh Nam, cán bộ, công chức các phòng ban đã được bố trí làm việc khoa học, điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính công được sắp xếp thuận tiện, người dân đến làm thủ tục được hướng dẫn bài bản. Ngay trong ngày đầu tiên, đã có 144 lượt người dân đến giao dịch và toàn bộ đều được giải quyết trong ngày.
Không chỉ hoàn thiện cơ sở vật chất và hệ thống tổ chức, UBND phường Lĩnh Nam còn kịp thời kiện toàn văn bản quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các khối Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức trực quan, đội thanh niên xung kích hỗ trợ người dân tiếp cận trụ sở mới cũng được triển khai linh hoạt.
Những thách thức cũ trong hình hài mới
Tuy nhiên, chính lãnh đạo địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận: bộ máy có thể đã "vào guồng", nhưng để phục vụ tốt và thúc đẩy phát triển lâu dài, còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Là địa bàn rộng nhưng dân cư thưa thớt, điều kiện sống còn khó khăn, phường Lĩnh Nam đang thiếu nhiều thiết chế thiết yếu như chợ dân sinh, trung tâm thương mại, khu vui chơi công cộng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, một số khu vực vẫn là đất trống, chưa được khai thác hiệu quả.

Người dân Lĩnh Nam vệ sinh chào đón bộ máy chính quyền mới.
Đáng chú ý, nhiều vị trí trên địa bàn – đặc biệt là vùng bãi ven sông Hồng – vẫn chưa có bản đồ quản lý đất đai rõ ràng, dẫn tới tình trạng lấn chiếm đất công, khó xử lý triệt để. Đây là một trong những thách thức lớn đối với mô hình quản lý mới, khi chính quyền cấp phường phải đảm nhiệm vai trò toàn diện nhưng thiếu cơ sở dữ liệu đầy đủ để kiểm soát thực tế.
Là địa bàn giáp sông, Lĩnh Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ và hạ tầng sinh thái ven đô. Tuy nhiên, cho đến nay, vùng bãi vẫn chưa có quy hoạch chi tiết 1/500, khiến việc kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án phát triển gần như rơi vào bế tắc.
Từ kỳ vọng đến hành động: Không để chính quyền hai cấp "đẹp hình thức, yếu thực chất"
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các sở, ngành của thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền phường để giải quyết từng đầu việc cụ thể. Từ việc cung cấp bản đồ quản lý đất công, hướng dẫn lập quy hoạch vùng bãi tỷ lệ 1/500, đến ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cấp thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ – đúng tinh thần "chính quyền hai cấp là một thể thống nhất".

Công tác tuyên truyền được tổ chức chuyên nghiệp bài bản.
Ông cũng nhấn mạnh, mô hình chính quyền hai cấp sẽ không thể thành công nếu chỉ dừng ở việc thay đổi tổ chức bộ máy mà không kèm theo những cải cách thực chất trong cơ chế vận hành, phân quyền – phân cấp, và hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương. Những địa bàn đặc thù như Lĩnh Nam – nơi hội tụ cả thách thức lịch sử và tiềm năng phát triển – cần được xem là hình mẫu để tháo gỡ và kiến tạo.
Việc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ mới, xây dựng báo cáo chính trị và định hướng phát triển cho giai đoạn tới cũng được yêu cầu thực hiện sớm, bám sát thực tiễn địa bàn và mục tiêu lâu dài của thành phố.

Bản đồ phường Lĩnh Nam.
Lĩnh Nam cũng như rất nhiều phường, xã khác đang bước vào những ngày đầu của mô hình chính quyền địa phương hai cấp của TP Hà Nội. Việc vận hành ổn định ngay từ ngày đầu là tín hiệu tích cực, nhưng để thực sự "đổi đời" – thoát khỏi tình trạng chắp vá, manh mún sau sáp nhập – vẫn cần những nỗ lực mang tính tổng thể. Chính quyền địa phương không thể làm một mình. Khi cơ chế quản lý được mở đường, dữ liệu được minh bạch, quy hoạch được chi tiết hóa, thì mới có thể kỳ vọng mô hình mới đi vào chiều sâu, không chỉ "đúng quy trình" mà còn đúng nhu cầu người dân.
Bình luận (0)