
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo ( AI) trong đào tạo du lịch
Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi sâu sắc mọi khía cạnh trong lĩnh vực du lịch, từ cá nhân hóa hành trình khách hàng, tối ưu hóa quy trình vận hành đến quản trị điểm đến. Tuy nhiên, trong các trường đào tạo du lịch, khoảng cách giữa chương trình giảng dạy và thực tiễn số ngày càng rộng.
Giảng viên thiếu kỹ năng cập nhật công nghệ, nhất là khả năng thiết kế bài giảng tích hợp AI như mô phỏng tình huống du lịch, phân tích dữ liệu hành vi khách du lịch, hay quản lý dịch vụ thông minh. Sinh viên phần lớn tiếp cận AI một cách thụ động, sử dụng ChatGPT như một công cụ làm bài thay vì rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng đánh giá thông tin hoặc năng lực sáng tạo nội dung du lịch số.
ThS. Huỳnh Lê Phú Phong chia sẻ: Việc thiếu định hướng rõ ràng trong ứng dụng AI khiến người học dễ lệ thuộc vào công cụ, trong khi bản thân công cụ lại chưa được hiểu đúng và khai thác đúng cách.

AI là động lực tăng trưởng, góp phần vào 305 tỷ ÚD ngành Du lịch toàn cầu năm 2025.
Theo nhiều chuyên gia tuyển dụng trong ngành dịch vụ, khách sạn, nhà tuyển dụng hiện nay không còn chỉ yêu cầu ứng viên có kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ hay chăm sóc khách hàng, mà ngày càng quan tâm đến khả năng sử dụng AI trong các công việc hàng ngày như: biết dùng AI để viết mô tả sản phẩm du lịch hấp dẫn, dùng dữ liệu để dự báo xu hướng đặt phòng hoặc phân tích phản hồi khách hang, vận hành nền tảng tiếp thị tự động (AI Marketing).Hoặc thậm chí là xây dựng câu chuyện số hóa di sản văn hóa bằng mô phỏng ảo.
Nếu sinh viên không được trang bị năng lực này từ ghế nhà trường, họ sẽ bị bỏ lại trong một thị trường lao động mà robot và công cụ AI có thể thay thế công việc ở cấp độ cơ bản, thậm chí trung cấp.
"Thực tế cho thấy, chúng tôi rất cần nhân sự trẻ biết ứng dụng công nghệ. Ứng viên nào có thể sử dụng AI để xây dựng kế hoạch truyền thông cho mùa thấp điểm, tạo nội dung mạng xã hội tự động, hoặc đọc hiểu dữ liệu khách hàng, đều được đánh giá rất cao."- Giám đốc nhân sự một khu du lịch chia sẻ.

Nhóm Kỹ năng AI cần phát triển.
Trong bối cảnh này, Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang đã chủ động xây dựng các chương trình hợp tác, cập nhật công nghệ và phương pháp đào tạo mới.
Nhà trường xác định rõ: nâng cao kỹ năng ứng dụng AI không chỉ là yêu cầu thời đại, mà còn là đòn bẩy để nâng tầm chất lượng đào tạo và năng lực cạnh tranh của sinh viên. Việc liên kết với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ, chuyên gia đào tạo quốc tế… chính là chiến lược nhằm đưa tri thức thực tiễn vào bài giảng, giúp sinh viên học từ trải nghiệm, làm từ phòng học.
Sinh viên Phạm Thị Mỹ Linh, lớp Hướng dẫn viên du lịch chia sẻ: "Trước đây em nghĩ AI chỉ dành cho lập trình viên, nhưng giờ em có thể dùng AI để mô phỏng lịch trình tour, tạo hình ảnh điểm đến bằng Canva AI hay tự kiểm tra nội dung mình viết với ChatGPT. Cảm giác mình thực sự làm chủ được công nghệ, và điều đó rất khác biệt."

Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đào tạo du lịch.
Không thể tiếp cận AI theo hướng "học thêm một công cụ". Điều quan trọng hơn là thay đổi tư duy đào tạo và cách giảng dạy: giảng viên cần được đào tạo lại để trở thành người tổ chức trải nghiệm học tập số, chứ không chỉ là người truyền đạt kiến thức. Sinh viên cần được dẫn dắt để trở thành người tạo ra giải pháp bằng công nghệ, chứ không chỉ là người sử dụng công cụ. Chương trình học cần tích hợp AI như một phần của phương pháp học tập có mục tiêu rõ ràng. Ví dụ, ứng dụng AI để xử lý khủng hoảng truyền thông cho điểm đến, hay phân tích dữ liệu từ TripAdvisor để nâng cao dịch vụ khách sạn.

Đào tạo AI là chiến lược trung tâm trong xây dựng ngành du lịch thông minh tại Việt Nam.
Việc sử dụng AI cần trở thành một phần của quá trình học, nơi sinh viên vừa học, vừa làm, vừa phản biện lại chính kết quả do AI tạo ra. Nâng cao kỹ năng ứng dụng AI là điều kiện tiên quyết để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Đào tạo AI không chỉ là xu hướng, mà phải là chiến lược trung tâm trong xây dựng ngành du lịch thông minh tại Việt Nam.
Bình luận (0)