
HÌnh minh họa: Science Photo Library
Tuy nhiên, khi các tế bào trong hệ thống này phát triển bất thường và mất kiểm soát, chúng có thể trở thành nguồn gốc của một bệnh lý ác tính mang tên U lympho - một dạng ung thư máu thường diễn tiến âm thầm với những dấu hiệu dễ bị bỏ qua.
Việc nhận biết sớm các biểu hiện cảnh báo và nắm bắt các tiến bộ y học trong điều trị là yếu tố then chốt, quyết định đến cơ hội sống còn của người bệnh.
“Kẻ thù” mang tên người bảo vệ
Theo bác sĩ Kiều Thị Vân Oanh - Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai, U lympho là thuật ngữ chỉ nhóm các bệnh ung thư phát sinh từ tế bào lympho – một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Bệnh gồm hai nhóm chính: U lympho Hodgkin và U lympho không Hodgkin (Non-Hodgkin Lymphoma - NHL).
U lympho Hodgkin được nhận diện bởi sự hiện diện của tế bào Reed-Sternberg, có xu hướng tiến triển chậm và đáp ứng tốt với điều trị nếu được phát hiện sớm. Trong khi đó, U lympho không Hodgkin phổ biến hơn và đa dạng hơn, với hơn 60 phân nhóm khác nhau. Có những thể bệnh tiến triển âm ỉ, tiềm tàng kéo dài, nhưng cũng có những thể bùng phát nhanh chóng, đe dọa tính mạng trong thời gian ngắn.
“Việc xác định đúng thể bệnh là bước quan trọng hàng đầu”, bác sĩ Oanh chia sẻ. “Mỗi phân nhóm u lympho là một đối thủ khác nhau, đòi hỏi chiến lược điều trị khác nhau”.
Dấu hiệu mơ hồ - hiểm họa tiềm ẩn
Một trong những thách thức lớn nhất của u lympho là các triệu chứng ban đầu thường không đặc hiệu, dễ bị nhầm với các bệnh lý thông thường khác. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là nổi hạch không đau ở cổ, nách, bẹn, với đặc điểm chắc, không đau khi sờ và có xu hướng to dần.
Bộ ba “triệu chứng B” bao gồm: sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi trộm ban đêm, và sụt cân không lý do (trên 10% thể trọng trong vòng 6 tháng) cũng là những tín hiệu quan trọng cảnh báo bệnh. Một số trường hợp có thể kèm theo mệt mỏi kéo dài, ngứa toàn thân, đau ngực hoặc khó thở nếu hạch chèn ép trung thất, hoặc cảm giác đầy bụng khi có hạch to trong ổ bụng.
“Rất nhiều bệnh nhân đến khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, hạch lan rộng, ảnh hưởng đến các tạng. Điều đáng tiếc là phần lớn họ từng nghĩ hạch không đau thì không đáng lo ngại”, bác sĩ Oanh nói.
Hành trình điều trị cá thể hóa: Mỗi bệnh nhân là một “lời giải” riêng
Khi được chẩn đoán u lympho bằng các xét nghiệm và mô bệnh học, quá trình điều trị bắt đầu. Những năm gần đây, y học hiện đại đã mang đến những “vũ khí” tiên tiến, mở ra kỷ nguyên điều trị nhắm trúng đích và cá thể hóa.
Hóa trị kết hợp với kháng thể đơn dòng vẫn là nền tảng của nhiều phác đồ điều trị. Tuy nhiên, thuốc thế hệ mới và các công thức phối hợp giúp tăng hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư và hạn chế tác dụng phụ.
Bên cạnh đó, liệu pháp nhắm trúng đích được ví như “viên đạn thông minh” - chỉ tấn công tế bào ung thư mà không gây hại đến tế bào lành. Liệu pháp miễn dịch, đặc biệt là CAR-T, đang mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhân u lympho tái phát hoặc kháng trị.
Ghép tế bào gốc cũng là một chiến lược quan trọng, đặc biệt với những bệnh nhân có nguy cơ cao hoặc điều trị nhiều lần thất bại, giúp tái tạo lại hệ miễn dịch khỏe mạnh.
“Chúng tôi không còn điều trị u lympho theo một công thức chung”, bác sĩ Oanh nhấn mạnh. “Mỗi bệnh nhân là một cá thể riêng biệt. Việc điều trị được quyết định dựa trên loại u, giai đoạn bệnh, đột biến phân tử và thể trạng người bệnh”.
Hy vọng mới trong cuộc chiến giành sự sống
U lympho không còn là cái tên xa lạ trong y khoa hiện đại. Từ những biểu hiện thầm lặng ban đầu, đến những bước tiến vượt bậc trong điều trị, câu chuyện của người bệnh u lympho là hành trình của lòng kiên cường và sức mạnh khoa học.
Chìa khóa để giành lại sự sống chính là phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và kiên trì đồng hành cùng các phương pháp điều trị cá thể hóa hiện đại. Trong cuộc chiến đó, người bệnh không đơn độc - họ có sự đồng hành của y học tiên tiến, bác sĩ tận tâm và sự nâng đỡ của gia đình, cộng đồng.
Bình luận (0)