
Giá bán USD ngân hàng vượt mốc 26.300 đồng
Tỷ giá hôm nay 24/6 giữa Đồng Việt Nam (VND) với Đô la Mỹ (USD) và với Nhân dân tệ (NDT) tại các ngân hàng cùng đi lên.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm hôm nay ở mức 25.058 VND/USD, tăng 30 đồng so với sáng 23/6. Với biên độ giao dịch ±5% so với tỷ giá trung tâm, tỷ giá trần được áp dụng là 26.311 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.805 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện là 23.827 VND/USD ở chiều mua vào và 26.229 VND/USD ở chiều bán ra.
Tại các ngân hàng thương mại vào lúc 8h25 sáng nay, tỷ giá USD tại Vietcombank giao dịch ở mức 26.010 - 26.310 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng mạnh 91 đồng ở chiều mua vào và tăng 31 đồng ở chiều bán ra so với sáng 23/6. Tại BIDV, tỷ giá USD niêm yết là 25.950 - 26.310 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 31 đồng ở cả hai chiều giao dịch.
Điểm đáng chú ý là trong khi thị trường ngân hàng biến động mạnh, thị trường tự do lại không có những cú sốc tương ứng. Hiện, các điểm thu đổi ngoại tệ đang giao dịch USD quanh mức 26.350 - 26.450 đồng, cao hơn khoảng 150 đồng so với ngân hàng.
Theo phân tích từ Công ty chứng khoán Thành Công (TCSC), sự gia tăng mạnh mẽ của giá USD trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đã làm gia tăng lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng, trong khi nhu cầu USD trong nền kinh tế vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh đó, nếu áp lực lên tỷ giá tiếp tục dâng cao, Ngân hàng Nhà nước có thể buộc phải điều chỉnh chính sách để bảo vệ ổn định vĩ mô. Hiện tại, giải pháp được cơ quan điều hành lựa chọn vẫn là hút bớt thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng nhằm đẩy lãi suất lên cao, qua đó gián tiếp giảm sức mua USD.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ giá USD/VND năm 2025 sẽ tăng khoảng 3%, phản ánh sự mất giá tương đối của đồng Việt Nam so với USD, phù hợp với diễn biến kinh tế toàn cầu và các yếu tố nội tại. Song, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát được biến động tỷ giá trong biên độ cho phép, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến tỷ giá để chủ động trong việc phòng ngừa rủi ro và xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố có thể khiến đồng USD giảm giá, hỗ trợ VND trong ngắn hạn, như tình hình thương mại và kinh tế toàn cầu xấu đi khi mà mới đây, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới năm 2025 giảm 0,2%, thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Bên cạnh đó, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, sức hấp dẫn của đồng USD cũng sẽ giảm. Ngoài ra, một yếu tố khác tác động đến tỷ giá là xu hướng các nhà đầu tư đang và sẽ tiếp tục đa dạng hóa danh mục tài sản, không còn tập trung nắm giữ USD như trước đây, khiến đồng USD mất dần vị thế độc tôn trên thị trường quốc tế, qua đó góp phần khiến tỷ giá USD/VND có thể biến động theo hướng giảm.
Báo cáo chiến lược của bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu thuộc Ngân hàng UOB đưa ra dự báo khá thận trọng. Theo đó, dự báo, tỷ giá USD/VND có thể dao động quanh mốc 26.300 đồng trong quý III năm nay và chỉ bắt đầu hạ nhiệt dần từ quý IV, xuống mức khoảng 25.800 đồng vào quý I năm 2026.
Bình luận (0)