
Phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm nồng độ cồn kịch khung khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc. Ảnh: Cục CSGT
Trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng CSGT thuộc Cục Cảnh sát giao thông (C08 – Bộ Công an) đã phát hiện và xử lý 201 trường hợp điều khiển phương tiện trên đường cao tốc khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nhiều trường hợp vi phạm ở mức nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông.
Gần đây nhất, đêm ngày 24/6, trong khi thực hiện kiểm soát chuyên đề nồng độ cồn trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Đội CSGT đường bộ cao tốc số 2 phát hiện trường hợp anh N.V.D điều khiển phương tiện 89A-42X.XX có nồng độ cồn mức 4 (0,594mg/l khí thở), mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ.
Với vi phạm trên tài xế N.V.D đã bị lực lượng chắc năng lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện đến 10 ngày và sẽ chịu hình thức xử phạt vi phạm hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Cũng trong ngày 24/6, trên các tuyến cao tốc QL45- Nghi Sơn – Diễn Châu – Bãi Vọt và tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, CSGT đã phát hiện một số trường hợp vi phạm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn.
Theo đại diện Cục CSGT, ngoài xử phạt hành chính, các tài xế là cán bộ, công chức, viên chức hoặc lực lượng vũ trang sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc theo Chỉ thị 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia là hành vi cực kỳ nguy hiểm; khi nồng độ cồn trong hơi thở tăng cao, cơ thể sẽ phản ứng chậm hơn, tầm nhìn bị ảnh hưởng, và đặc biệt là rất dễ dẫn đến tình trạng buồn ngủ, mất tập trung. Chỉ một khoảnh khắc lơ là do men say, có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, không chỉ cướp đi sinh mạng của chính mình mà còn gây họa cho những người tham gia giao thông khác.
Đại diện Cục CSGT nhấn mạnh, người dân đã uống rượu bia thì không lái xe; hãy lựa chọn giải pháp an toàn như đi taxi, xe công nghệ hoặc nhờ người thân không uống rượu bia đưa về; đừng vì một phút chủ quan mà đánh đổi cả cuộc đời.
Bình luận (0)