Cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam là một trong những chương trình đặc biệt được Đài THVN thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7). Với thời lượng 120 phút, chương trình diễn ra tại 4 điểm cầu gồm: Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội; Thành cổ Quảng Trị và Đền tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi, TP.HCM.
Theo ê-kíp sản xuất, ý tưởng xuyên suốt trong chương trình cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam sẽ được gói gọn trong hài từ "danh tính". Sở dĩ những người thực hiện chương trình chọn từ khóa này là bởi khi những người chiến sỹ hành quân, tất cả họ cùng hòa vào cùng đoàn quân tiến ra tiền tuyến để bảo vệ Tổ quốc. Nhưng khi họ mất đi, có những người có tên trên bảng ghi danh, nhưng cũng có người vô danh, chẳng để lại gì về bản thân. Với chúng ta, những thế hệ đi sau, điều có thể làm là tìm lại, ghi nhớ lại những công lao, những đóng góp của các thế hệ anh hùng đó.

"Với những cảm xúc ấy, cầu truyền hình lần này được đặt tên là Dáng đứng Việt Nam, một dáng đứng được tạo nên bởi sự hy sinh bất tử của các thế hệ người Việt, cũng là sự hy sinh của các bà mẹ, của các gia đinh", nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ.
Với từ khóa là "danh tính", chương trình cầu truyền hình đã mang tới cho khán giả hơn 20 câu chuyện rất đặc biệt do các phóng viên, biên tập viên của Đài THVN thực hiện. Đó là câu chuyện về liệt sỹ Nguyễn Kỳ Sơn - người đã hy sinh trong trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị hay câu chuyện của 2 người mẹ đợi con 30 năm, dù con đã hy sinh trong trận chiến CQ88....
Bên cạnh đó, chương trình lần này còn có những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Nói về chương trình này, nhà báo Trần Quang Minh - Trưởng phòng Tương tác, Ban Thanh thiếu niên cũng chia sẻ thêm: "Rất ít chương trình mà cả ê-kíp chuẩn bị trong nhiều tháng trời, rất ít chương trình mà ê-kíp sản xuất tung ra lên đến vài trăm người, rất ít chương trình mà kịch bản thay đổi lên đến cả trăm lần, rất ít chương trình mà ê-kíp làm việc xuyên màn đêm... Chương trình cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam là như thế. Chúng tôi sẽ kết nối hiện tại và quá khứ".
Cùng nhìn lại cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam qua phần tường thuật dưới đây!
Tiêu điểm sự kiện
22:19 ngày 26/07/2017
Chương trình cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam được khép lại với những giai điệu hào hùng của ca khúc Giai điệu Tổ Quốc. Tiết mục có sự tham gia của các nghệ sĩ tại 4 điểm cầu.

22:09 ngày 26/07/2017
Ca khúc Hãy yên lòng mẹ ơi được thể hiện bởi nhóm Belcanto và nhóm múa tại điểm cầu Hà Nội.

21:57 ngày 26/07/2017
Tiết mục Người mẹ của tôi do Đức Tuấn thể hiện.

Tiết mục: Người mẹ của tôi
21:50 ngày 26/07/2017
Câu chuyện của hai bà mẹ tại Quảng Bình đợi con 30 năm dù con đã hi sinh trong trận chiến CQ88. Đó là mẹ Dương Thị Tạo - mẹ của liệt sỹ Phan Văn Thiềng - E83 công binh hải quân, quê ở Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), bao năm nay vẫn một mình ở trong căn nhà cũ bên bờ biển đợi con về. Người thứ hai là mẹ Nguyễn Thị Tròn, năm nay 84 tuổi, hiện ở một vùng cát trắng ven biển thuộc xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Con mẹ Tròn là anh Hoàng Văn Túy, đã nằm lại ở biển Trường Sa vào ngày 14/3/1988.

Câu chuyện của hai bà mẹ tại Quảng Bình đợi con đã hi sinh trong trận chiến CQ88
21:48 ngày 26/07/2017
Tại điểm cầu Thái Nguyên, ca sĩ Vũ Thắng Lợi đưa khán giả hòa cùng những giai điệu hào hùng của ca khúc Bài ca người lính.

Tiết mục: Bài ca người lính
21:46 ngày 26/07/2017
Câu chuyện tình yêu đẹp của bà Đặng Thị Hồng và thương binh Phạm Hữu Chung. Ông Chung trở về từ chiến trường và đã là thương binh ¼, bị mù cả 2 mắt, không còn sức khỏe hay khả năng lao động, nhưng người phụ nữ có dáng hình nhỏ nhắn, mảnh mai Đặng Thị Hồng lại thương cảm, yêu mến và nguyện sẽ chăm sóc cho ông suốt cuộc đời. Và thế là họ nên duyên chồng vợ.

Câu chuyện tình yêu của bà Đặng Thị Hồng và thương binh Phạm Hữu Chung
21:40 ngày 26/07/2017
Tiết mục Bài ca hi vọng do nữ ca sĩ Khánh Linh thể hiện.

21:33 ngày 26/07/2017
Ca sĩ Mỹ Tâm mang tới ca khúc Em vẫn đợi anh về (Sáng tác: Lệ Giang).

Tiết mục: Em vẫn đợi anh về
21:32 ngày 26/07/2017
Câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm của cô Đỗ Thị Ngọc Cẩm. Trong nhiều năm qua, cô Cẩm vẫn luôn sống với nỗi ám ảnh về người yêu, với mong muốn tìm mộ liệt sỹ Đỗ Ngọc Lâm và liên lạc được với gia đình anh.

Câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm của cô Đặng Ngọc Cẩm - Phần 1

Câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Đỗ Ngọc Lâm của cô Đỗ Thị Ngọc Cẩm - phần 2
21:22 ngày 26/07/2017
Câu chuyện về kho 55.0000 kỷ vật tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 và hành trình đi tìm chủ nhân của đôi bông tai mà liệt sỹ Nguyễn Văn Đồng để lại. Trong chương trình, con gái nuôi của liệt sỹ Nguyễn Văn Đồng - cô Nguyễn Thị Khanh - đã được nhận lại kỷ vật của cha.

21:19 ngày 26/07/2017
Tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ anh hùng tại nhà tù Côn Đảo một lần nữa được tái hiện với tiết mục Biết ơn chị Võ Thị Sáu do Phạm Thu Hà thể hiện.

Câu chuyện của những người chiến sĩ anh hùng tại nhà tù Côn Đảo
21:14 ngày 26/07/2017
Nữ ca sĩ Lan Anh mang tới tiết mục Miền xa thẳm đầy cảm xúc.


21:07 ngày 26/07/2017
Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hà (sư đoàn 9, quân đoàn 4) với hành trình mấy chục năm đi tìm hài cốt đồng đội. Trở về sau cuộc chiến, ông luôn day dứt khôn nguôi vì những người đồng đội đã hi sinh và vẫn còn nằm lại ở biên giới Campuchia. Trong nhiều năm qua, ông đã tìm và đưa hàng trăm đồng đội về với quê hương. Tuy nhiên ông không còn nhiều thời gian nữa để trả những món nợ của mình với đồng đội. Ông đang mang trong mình căn bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hà
21:03 ngày 26/07/2017
Nghệ sĩ Phạm Phương Thảo và nhóm múa mang tới chương trình tiết mục Con xin ở lại nơi này (Sáng tác: Văn Á - Hà Chương).
20:58 ngày 26/07/2017
Câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn - người đã hi sinh trong những trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày tại Thành cổ Quảng Trị. Năm 1970, chàng trai trẻ Nguyễn Kỳ Sơn thi đậu vào Học viện Thuỷ lợi, khoa Thuỷ công. Tháng 9/1971, khi đang là sinh viên năm thứ 2, anh viết thư tình nguyện đi bộ đội. Anh hy sinh ngày 25/8/1972, nhưng phải 1 năm sau, gia đình mới nhận được tin tức này. Sau đó, phải mất tới gần 40 năm, gia đình và đồng đội mới có thể tìm được hài cốt của anh.

Câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn
20:58 ngày 26/07/2017
Tiết mục Thời thanh niên sôi nổi (Sáng tác: Aleksandra Nicolaievna Pakhmutova; Chuyển ngữ lời Việt: Phạm Tuyên) do các cựu sinh viên Hà Nội tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị thể hiện.

Tiết mục: Thời thanh niên sôi nổi
20:52 ngày 26/07/2017
Chương trình cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam được tiếp nối với câu chuyện về 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Thông qua chia sẻ của những nhân chứng lịch sử, khán giả truyền hình đã phần nào hình dung được sự ác liệt trong những ngày hè Quảng Trị đỏ lửa.

Câu chuyện về 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị
20:47 ngày 26/07/2017
Tiết mục Hành khúc tang lễ do nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang trình diễn.

20:41 ngày 26/07/2017
Tại điểm cầu TP.HCM, BTV Hồng Phúc đã đưa khán giả cùng theo dõi một câu chuyện xúc động về những mảnh ký ức vừa được tìm lại trong lòng đất. Đó là câu chuyện của 150 người lính Việt Nam tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 tại sân bay Biên Hoà, Đồng Nai. Dù chỉ còn lại ít ỏi, nhưng những vết tích đó cũng đủ để phác hoạ phần nào những đau thương mất mát mà đất nước ta đã trải qua để có được ngày hôm nay.

Câu chuyện của những người lính tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai.
20:34 ngày 26/07/2017
Câu chuyện của gia đình bà Bùi Thị Dẫn ở Kiến Thụy, Hải Phòng. Bố bà Dẫn là liệt sĩ Bùi Thế Giới, thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, không có chồng con, giờ bà Dẫn sống một mình, ước nguyện duy nhất của bà là tìm thấy hài cốt bố về để đặt cạnh mộ những người thân.
Hơn 60 năm qua, không có di ảnh bố, bà thờ ông qua tấm bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương kháng chiến. Không còn giấy báo tử của liệt sĩ nên bà không biết đi đâu để hỏi thông tin, chỉ nhớ mang máng lời bà nội dặn là bố hy sinh vào ngày 11/4 nên lấy ngày này làm giỗ hàng năm.

Câu chuyện của gia đình bà Bùi Thị Dẫn ở Kiến Thụy, Hải Phòng
20:27 ngày 26/07/2017
Màn trình diễn Dáng đứng Việt Nam do NSƯT Thanh Lam và dàn giao hưởng, dàn hợp xướng thể hiện.

20:22 ngày 26/07/2017
Lễ mít tinh Ngày Thương binh toàn quốc 27/7/1947 được tái hiện trong hoạt cảnh trên sân khấu ở điểm cầu Thái Nguyên.

Lễ mít tinh Ngày Thương binh toàn quốc 27/7/1947
20:19 ngày 26/07/2017
Tiết mục nghệ thuật Bác Hồ một tình yêu bao la do nữ ca sĩ Mai Hoa thể hiện.

Tiết mục: Bác Hồ một tình yêu bao la
20:17 ngày 26/07/2017
Câu chuyện của cầu truyền hình Dáng đứng Việt Nam trở lại 70 năm về trước, thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau này đổi tên thành Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên), ở Hà Nội và một số nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm hội trưởng danh dự của hội này. Chiều 11/7/1946, buổi quyên góp quần áo của Hội đã diễn ra tại Nhà hát Lớn. Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng thương binh.
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ.

Phóng sự: Bác Hồ chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh - Liệt sỹ
20:03 ngày 26/07/2017
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thực hiện nghi lễ tưởng niệm và dâng hương tại 4 điểm cầu: Khu du di tích lịch sử Quốc gia 27/7, xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, Ba Đình, Hà Nội; Thành cổ Quảng Trị và Đền tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi, TP.HCM.

Bình luận (0)