Truyền hình trực tiếp: Quốc hội thảo luận về giải quyết kiến nghị cử tri

Thời báo VTV

24/06/2025 06:00 GMT+7

Phiên thảo luận của Quốc hội chiều 24/6 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 14h00 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 24/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Tiếp đó, Quốc hội họp riêng về việc bố trí nguồn thanh toán các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. 

Phiên họp của Quốc hội chiều 24/6 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 14h00 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Sau đó, Quốc hội họp riêng về công tác tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền.

99,95% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời 

Trước đó, ngày 5/5, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.033 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó có 2.032 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,95%.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình.


Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời đầy đủ 38/38 kiến nghị. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, hoạt động của Quốc hội tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới; đặc biệt chú trọng tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về thể chế, xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách nhằm phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu của đất nước để bước vào kỷ nguyên mới.

Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã trả lời 1.946/1.947 kiến nghị; tích cực, tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Việc giải quyết kịp thời các kiến nghị đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, ổn định tình hình và cải thiện đời sống nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được triển khai do bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với việc cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ban hành Danh mục các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, qua giám sát cho thấy: Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, sau gần 10 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, chính sách miễn học phí này vẫn chưa được triển khai do chưa ban hành Danh mục, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Danh mục trên.

Liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng do văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri tại nhiều địa phương liên tục đề nghị giải quyết cho những người đang hưởng trợ cấp thương binh, đồng thời đủ điều kiện hưởng chế độ mất sức lao động, được nhận hai chế độ trợ cấp. Qua giám sát cho thấy, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: Người có công thuộc nhiều đối tượng thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhiều đối tượng. Nghị định số 131/NĐ-CP quy định: Trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc người hưởng chế độ mất sức lao động thì được hưởng thêm một chế độ trợ cấp hằng tháng. 

Tuy nhiên, Nghị định số 131 chỉ quy định hồ sơ, thủ tục cho người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hưởng thêm trợ cấp thương binh, mà chưa đề cập quy trình giải quyết cho những người trước đây đã thôi hưởng trợ cấp mất sức để nhận trợ cấp thương binh, nay có nguyện vọng khôi phục lại quyền lợi về chế độ mất sức. Qua giám sát, đã yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật, đảm bảo người đang hưởng trợ cấp thương binh đồng thời là người mất sức lao động được giải quyết quyền lợi đầy đủ, thống nhất và công bằng. Bộ Nội vụ đã tiếp thu, đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Tin liên quan

Cử tri và nhân dân lên án mạnh mẽ tình trạng sữa giả, thuốc giả, quảng cáo sai sự thật

Cử tri và nhân dân lên án mạnh mẽ tình trạng sữa giả, thuốc giả, quảng cáo sai sự thật

VTV.vn - Tình trạng lừa đảo, buôn bán hàng giả đã được nêu ra trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.