Bệnh tim bẩm sinh (TBS) ở trẻ em là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim, xảy ra từ lúc còn ở bào thai. Tần suất bệnh TBS chung trên thế giới là 8 trên 1000 trẻ ra đời còn sống. Đây là một trong những chứng bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với trẻ nhỏ, khiến chất lượng cuộc sống của trẻ giảm sút nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi hẳn và các bé có cuộc sống bình thường.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của y học thế giới những năm gần đây, nền y học Việt Nam nói chung và ngành phẫu thuật tim nói riêng đã có nhiều tiến bộ, tìm ra những phương pháp mới trong việc điều trị TBS cho trẻ. Những tiến bộ khoa học đó đã được áp dụng và mang lại nhiều hy vọng cho các bé bị bệnh nặng.
Cuối tháng 8/2015, Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã phẫu thuật thành công cho cho bé gái V.H.B.T (16 tháng tuổi, ở Bình Dương) có trái tim nằm ngoài lồng ngực, chỉ được bao bọc bởi một lớp da mỏng. Những thành tựu đó đã mang đến niềm tin cho nhiều gia đình có con bị bệnh nặng.
Để giúp người dân có những hiểu biết đầy đủ về bệnh tim bẩm sinh và những tiến bộ của nền y học Việt Nam trong chữa trị căn bệnh này, buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề "Tiến bộ của y học Việt Nam trong chữa trị tim bẩm sinh" đã diễn ra trên báo điện tử VTV News.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (BV Việt Đức)

TS. BS Nguyễn Hoàng Định - PGĐ Trung tâm tim mạch bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Buổi tư vấn có sự tham gia của hai khách mời là PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (bệnh viện Việt Đức) và TS.BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Dưới đây là nội dung buổi giao lưu:
Nguyễn Đình An
15:56 ngày 22/01/2016
Thưa PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (BV Việt Đức), là người trực tiếp ghép tim cho bệnh nhân Tuyến, ông có đánh giá như thế nào về những khó khăn của ca phẫu thuật này và ê-kíp BS đã vượt qua giờ phút đó ra sao?

Thành công của ca mổ thực sự là kì tích của nền y học Việt Nam. Vì bệnh nhân hội tụ những dị tật tim bẩm sinh đặc thù nhất nên đây là ca mổ cực kì khó. Về mặt kĩ thuật, điều trị cũng như hồi sức, bệnh nhân sau khi ghép tim 6 tuần không thể tiểu tiện được, sức khỏe cũng chưa ổn định do mắc nhiều dị tật tim bẩm sinh.
Ca mổ này mở ra cho ekip một hướng đi mới trong tương lai. Đó là sự tích lũy kinh nghiệm lâu năm trong phẫu thuật tim, kíp mổ phải là những người am hiểu và nắm vững kỹ thuật mổ, hồi sức tim bẩm sinh.
Chúng tôi chỉ quan niệm đó là công việc thường ngày, một công việc đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Trước khi mổ, cả ê kíp cũng rất đau đầu do bệnh nhân là một cô gái học rất giỏi nên cô cũng khá kì vọng vào thành công của ca mổ cũng chuyên môn nghiệp vụ của các y, bác sĩ. Chúng tôi phải tính toán ghép quả tim như thế nào trên nền một quả tim dị tật và huy động tất cả các máy móc phục vụ công tác hồi sức sau mổ.
Minh Anh
15:56 ngày 22/01/2016
Trường hợp tim ở ngoài lồng ngực đầu tiên phát hiện và được phẫu thuật thành công tại Việt Nam là bé gái 16 tháng tuổi ở Bình Dương có trái tim nằm ngoài lồng ngực, chỉ được bao bọc bởi một lớp da mỏng.Trên thế giới chỉ mới phát hiện 150 trường hợp bệnh tương tự. Và ca bệnh này đã được các BS khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phẫu thuật thành công, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành phẫu thuật tim mạch của y học Việt Nam. Thưa TS. BS Nguyễn Hoàng Định, là 1 trong những người tham gia ca mổ đặc biệt này, ông có thể chia sẻ với độc giả về ca phẫu thuật đặc biệt này không?

TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Giống nhau 2 ca phẫu thuật: với người trong ngành, đó là công việc hàng ngày, cần phải làm tốt chứ không nghĩ phải làm gì đó cao xa. Trường hợp của cháu bé từ trong bào thai tim nằm ngoài thành ngực, bao bọc ở màng ối. Đây là bệnh lí hiếm nhưng không phải quá hiếm trên thế giới. Ở Việt Nam, một số trường hợp điều trị nhưng chưa được như ý.
- Việc đưa tim vào lồng ngực, nằm ở vị trí bình thường ở cháu bé là rất khó.
- Nguy cơ nhiễm trùng khi tái tạo cơ hoành ngăn cách
Gia đình cháu bé rất nghèo, sau khi được các mạnh thường quân ủng hộ, cộng đồng quyên góp, ca mổ đã thành công.
Đỗ Văn Hòa
15:56 ngày 22/01/2016
Ngoài những tiến bộ y học vượt bậc nêu trên, Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và Singapore đã tiến hành can thiệp 'mitral clip' - kẹp sửa van hai lá (1 trong 4 van tim) để sửa chữa làm giảm mức độ hở van mà không cần phải tiến hành phẫu thuật mở tim. Đây là ca bệnh đầu tiên được áp dụng kỹ thuật này tại Việt Nam. Kẹp sửa van hai lá là một kỹ thuật phức tạp đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Mong PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước chia sẻ cụ thể kẹp sửa van hai lá là phương pháp như thế nào và ưu điểm của phương pháp này là gì?

Đây là kĩ thuật can thiệp tim mạch mới được phát triển trên thế giới trong xu hướng chung là điều trị giảm thiểu phải mổ. Giá thành cao nên việc áp dụng phổ biến cho người Việt còn nhiều khó khăn. Tiêu chí: giải pháp này dành cho trường hợp thương tổn van tim tương đối đơn giản (hở van tim do tim to); dành cho những trường hợp không nên mổ, không thể mổ được.
Lương Minh
16:11 ngày 22/01/2016
Theo ông, so với y học thế giới, phẫu thuật tim bẩm sinh ở Việt Nam đang có những ưu điểm và hạn chế gì? Có những phương pháp phẫu thuật tim mới nào trên thế giới đã áp dụng nhưng ở Việt Nam chưa ứng dụng được. Tại sao?

TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Phẫu thuật tim không chỉ là chuyện trong phòng mổ, các khâu như chẩn đoán trước mổ, hồi sức sau mổ... đều rất quan trọng. Mức độ phức tạp ngày càng cao, nhiều ekip có thể phẫu thuật sơ sinh, có thể điều trị được các bệnh lí ngay sau sinh.
Sự phối hợp giữa các đơn nguyên, các khâu tổ chức, chẩn đoán, điều trị, hồi sức cần bộ quy trình chuẩn, từ khi bé vào viện đến khi ra viện đều có được an toàn là chuyện còn dài. Cần thời gian để chuẩn bị dữ liệu bệnh tim bẩm sinh có thể công khai minh bạch để gia đình bệnh nhân có thể biết được, và tốt hơn trong chuyên môn nghiệp vụ. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào một ekip thành công mà cần sự đồng bộ của tất cả các ekip mổ.
Hải Âu
16:11 ngày 22/01/2016
Thưa TS. BS Nguyễn Hoàng Định, theo ông, trẻ bị tim bẩm sinh sẽ có biểu hiện và triệu chứng bệnh như thế nào?

TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Triệu chứng thay đổi, từ nhẹ, không có triệu chứng, đến diễn biến nặng. Triệu chứng ở hai loại tim bẩm sinh gồm: có tím và không tím.
Đa số trẻ bị tim bẩm sinh còi cọc, chậm lớn, quấy khóc, khó chịu, ngưng bú, bứt rứt. Trẻ lớn hơn dễ bị viêm đường hô hấp (thở khò khè).
Những trẻ bị tím: trẻ sinh ra bị tím hoặc mơ hồ hơn, khi trẻ gắng sức bú mẹ thấy đầu ngón tay chân, môi bị tím. Một số trẻ, tình cờ đi khám được bác sĩ phát hiện có tiếng tim bất thường/
Hồ Thị Mai
16:24 ngày 22/01/2016
Thưa ông, một số trường hợp, bệnh TBS không biểu hiện rõ nên cha mẹ không biết con mình bị bệnh và đến khi phát hiện ra thì bệnh đã biến chứng nặng và khó chữa. Vậy ông có lời khuyên gì cho các bậc cha mẹ để có thể sớm phát hiện ra bệnh của con và có cách chữa trị kịp thời không?

Đây là vấn đề rất thời sự! Điều kiện sống giờ đây được nâng cao hơn rất nhiều, chính vì vậy, người dân đòi hỏi hệ thống y tế cần giúp họ nhận biết bệnh sớm nhất. Nếu nghi ngờ con có dấu hiệu tim bẩm sinh, hãy đưa trẻ đi khám sớm nhất có thể. Hãy tận dụng mọi cơ hội được khám để phát hiện sớm, sàng lọc bệnh tim bẩm sinh (chương trình Trái tim cho em khám sàng lọc ở các trường học). Hệ thống bác sĩ chuyên ngành Nhi khoa - Tim mạch ở tuyến tỉnh, vùng sâu vùng xa còn ít nên người dân những nơi này chưa có điều kiện tiếp xúc với kỹ thuật thăm khám hiện đại. Lĩnh vực y học nước ta phát triển nhanh nhưng người dân chưa kịp cập nhật, nên cần phổ biến thông tin đến từng người dân là rất cần thiết.
Nguyễn Thị Hương
16:24 ngày 22/01/2016
Con trai tôi được 2 tuần tuổi, nặng 2,3 kg. Lúc sinh ra cháu bình thường, tuy nhiên, hôm qua cháu phải nhập viện điều trị trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi, bình thường tĩnh mạch phổi đổ vào tim, đằng này bốn tĩnh mạch phổi chui dưới bụng vào tĩnh mạch gan. Cháu cần phẫu thuật gấp. Cho hỏi trường hợp con tôi sẽ được phẫu thuật cách nào?

TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Đây là trường hợp cấp cứu phức tạp, nguy cơ cao. Tuy nhiên các trung tâm phẫu thuật cũng khá quen với trường hợp này nên bạn có thể yên tâm.

TS. BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
Hoài Trang
16:58 ngày 22/01/2016
Con gái tôi 12 tuổi vừa được phát hiện bị bệnh tim, bác sĩ nói phải thay van 2 lá. Theo tìm hiểu, tôi thấy có người nói nên mổ nội soi thì tốt hơn, nhưng cũng có người bảo không nên. Mong chuyên gia tư vấn phương pháp mổ này cụ thể như thế nào? Trường hợp con tôi có áp dụng được không?

Có thể gọi là 'Phẫu thuật tim ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ' chứ không phải 'phẫu thuật tim bằng phương pháp nội soi'. Cách này có đường rạch rất nhỏ để khắc phục thương tổn bên trong quả tim. Nếu có thể nên triển khai cho cháu bé vì là bé gái nên cách này sẽ để lại vết mổ đẹp hơn. Tuy nhiên, chỉ định là cố gắng sửa van, trong trường hợp không thể sửa được mới phải thay. Đây là kỹ thuật khó đối với trẻ em. Lời khuyên cho chị nên tìm đến các trung tâm tim mạch lớn, cơ sở uy tín trong phẫu thuật sửa van, thay van 2 lá để điều trị cho cháu.
Hà Thành
16:58 ngày 22/01/2016
Thưa TS. BS Nguyễn Hoàng Định, có những dị tật tim nào có thể thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ ? Và trường hợp tim bẩm sinh nào không nên dùng phương pháp này?

TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Phẫu thuật tim ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ là phương pháp mới, làm giảm thiểu sang chấn thể chất, tinh thần của đứa trẻ, mặc cảm với những vết sẹo lớn sau mổ. Phẫu thuật tim ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ có thể áp dụng:
- Bệnh lí về van tim (sửa van 2 lá, thay van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ...), thay gốc động mạch chủ, phẫu thuật chuẩn bị đặt stend...
- Tim bẩm sinh đơn giản, không quá phức tạp (thông liên thất, liên nhĩ, thông sàn nhĩ thất...).
- Trẻ từ 12kg trở lên, trên 12 tuổi.
Hải Âu
16:58 ngày 22/01/2016
Thưa 2 chuyên gia, vậy với những ích lợi trên của PP mổ nội soi thì hiện nay, có những BV, cơ sở y tế nào ở nước ta thực hiện được PP này? Chuyên gia có thể cung cấp cho các khán giả địa chỉ cụ thể?

Đảm bảo ekip mổ tim phải hết sức vững vàng về chuyên môn kĩ thuật, trang thiết bị đầy đủ, ekip mổ phải được đào tạo chuyên sâu... 3 bệnh viện có thể triển khai phương pháp này là viện E, Việt Đức (Hà Nội) và bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Phạm Tuấn Anh
16:58 ngày 22/01/2016
Thưa PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (BV Việt Đức), theo ông, những nguyên nhân cơ bản gây bệnh TBS ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ?

Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là câu hỏi thường gặp ở các bậc phụ huynh. Có một nhóm chính gây bệnh:
- Do cấu trúc gen bố mẹ, trẻ sinh ra bị dị tật, trong đó có dị tật tim.
- Bộ gen bình thường nhưng môi trường cho phôi thai phát triển có vấn đề.
Thường 5 tuần đầu, thai nhi phát triển dễ gặp các dị tật (mẹ bị cúm, mẹ uống rượu, hút thuốc lá, mẹ béo phì hoặc dùng thuốc ức chế thần kinh, mẹ lớn tuổi...)
Nguyên nhân chính do môi trường chiếm đa số, còn nguyên nhân do gen chiếm ít hơn.
Thành Nam
16:58 ngày 22/01/2016
Cháu trai tôi năm nay 3 tuổi, vừa được chẩn đoán thông liên thất, tăng áp lực động mạch phổi. Sức khỏe cháu yếu, từ nhỏ đã biếng ăn nên rất nhẹ cân. Theo tìm hiểu, dị tật này có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn. Vậy trường hợp cháu tôi có áp dụng được phương pháp này không vì sức khỏe cháu yếu? Nếu thực hiện được thì kinh phí cho 1 ca mổ là bao nhiêu thưa chuyên gia?

TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Dị tật thông liên thất, tăng áp lực động mạch phổi có thể áp dụng được phương pháp can thiệp này. Sức khỏe của cháu sẽ được bác sĩ đánh giá trước khi mổ. Chi phí ca mổ ở viện Đại học Y dược không khác mổ thông liên thất thông thường.
Hà Quang Anh
16:58 ngày 22/01/2016
Con gái tôi 14 tuổi, gần đây đột ngột có dấu hiệu khó thở, đau ngực. Đi khám tại Viện Tim mạch Việt Nam thì được chẩn đoán là bị phì đại vách liên thất. Trong gia đình tôi có mẹ vợ tôi cũng bị bệnh này. BS cho tôi hỏi bệnh có phải do di truyền không, chữa trị bằng cách nào? Liệu sau này con gái tôi lập gia đình, bệnh có di truyền tiếp không?

TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Phì đại vách liên thất có thể liên quan đến yếu tố di truyền, tuy nhiên chưa thể kết luận chính xác nguyên nhân này. Biến chứng hẹp đường ra của tâm thất trái, máu nuôi cơ thể khó khăn, máu lên não khó hơn gây thiếu oxy, bệnh nhân có thể ngất, tai biến, thậm chí tử vong. Chưa có phương pháp điều trị dứt điểm.
Có thể phẫu thuật cắt bỏ vùng cơ, đặt điện cực trong tim... tạo đường thoát rộng hơn. Phương pháp phẫu thuật cũng gặp nhiều khó khăn vì xử lí chưa được thật sự hoàn hảo.
Phan Long
16:58 ngày 22/01/2016
Chào chương trình, con gái tôi từ khi sinh ra đã bị viêm phổi kéo dài. Đến 9 tháng tuổi, cháu tăng cân chậm lại, hay bị khó thở và mỗi khi khóc thường xuất hiện các cơn tím tái. Hiện nay cháu được 13 tháng, mới được chẩn đoán bị TBS do không có động mạch phổi phải. Qua tìm hiểu, tôi biết trường hợp của con tôi phải mổ cấp cứu tạo hình động mạch phổi phải khá phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề cao. Xin chuyên gia tư vấn giúp bé nhà tôi nên phẫu thuật ở đâu, bằng phương pháp nào tốt nhất? Câu hỏi xin được dành cho PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước?

Thông tin anh đưa ra còn thiếu, việc động mạch phổi phải là dị tật bẩm sinh rất phức tạp. Có 2 dạng: thừa máu lên phổi và thiếu máu lên phổi. Tùy thuộc là thương tổn trong bệnh cảnh tim bẩm sinh nào để sử dụng phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh viện Việt Đức cũng đã mổ 2 trường hợp bệnh nhân không có động mạch phổi phải. Anh có thể đến viện Việt Đức khám sớm cho cháu để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Cao Cường
16:58 ngày 22/01/2016
Thưa Bác sĩ! Con trai tôi được 10 ngày tuổi bị chẩn đoán tim bẩm sinh. Trẻ có bệnh tim có nên và có cần tiêm phòng không? Loại vắc-xin 5 trong 1 có phù hợp với con tôi không? Xin chân thành cảm ơn.

TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Không có chống chỉ định tiêm phòng cho bệnh nhân tim bẩm sinh. Nếu mắc bệnh lí đó, trẻ tim bẩm sinh sẽ mắc bệnh nặng hơn nhiều. Tuy nhiên sau tiêm, sức đề kháng của trẻ bị tim bẩm sinh sẽ yếu hơn những trẻ khác nên cha mẹ cần chăm sóc trẻ kĩ lưỡng hơn. Trước khi tiêm phòng cần đảm bảo sức khỏe của trẻ trong trạng thái tốt nhất, điều trị dứt điểm bệnh trước khi tiêm vắc-xin.
Hồng Anh
16:58 ngày 22/01/2016
Cháu ngoại tôi 5 tuổi, gần đây tim đập nhanh, nhiều lúc khó thở, thở dốc kiểu kiệt sức, được bác sĩ chẩn đoán là bị TBS và có nguy cơ đột tử cao do loạn nhịp tim. BS cho dùng máy khử rung tim. Tôi tìm hiểu trên mạng được biết đây là thiết bị nhỏ được gắn dưới da ở ngực bệnh nhân và có điện cực được dẫn đến tâm nhĩ hoặc tâm thất phải; máy liên tục theo dõi nhịp tim của bệnh nhân. Khi phát hiện những nhịp tim bất thường, máy sẽ phát ra những cú sốc điện để dập tắt cơn loạn nhịp giúp tim đập trở lại nhịp bình thường. Tuy nhiên, máy có thể khiến bệnh nhân bị sốc. Xin hỏi, loại máy này có thực sự an toàn cho cháu tôi? Có phương pháp phẫu thuật nào để chấm dứt hẳn bệnh không? Bị bệnh này thì cháu tôi cần kiêng gì?

Theo những gì chị kể, có thể cháu mắc rối loạn về tim rất phức tạp, điều trị rất khó khăn, nguy cơ đột tử là đúng. Việc đặt máy khử rung tim là con dao 2 lưỡi có nhiều rủi ro (có thể máy bắt nhầm nhịp rung), nguy cơ nhiễm trùng (có thể thủng tim)... Phải xác định rõ nguyên nhân mới biết bệnh có thể chữa khỏi hay không nên chị cần đưa cháu đến khám chuyên khoa sớm.
Phương Thanh
16:58 ngày 22/01/2016
Tôi mang thai 4 tháng thì phát hiện em bé bị tim bẩm sinh, tôi đã làm sinh thiết nhau thai và chọc nước ối để kiểm tra nhiễm sắc thể của bé nhưng kết quả không bị gì. Tôi bị dư ối nên đến tháng thứ 7 phải mổ lấy thai nhi ra nhưng bé bị não úng thủy và được 2 tuần thì mất. Không biết có phải do tôi dư ối không mà bé bị não úng thủy? Xin Bác sĩ tư vấn cho tôi biết là nên làm xét nghiệm gì để tầm soát trước khi sinh?

Tim bẩm sinh gây não úng thủy, từ não úng thủy gây đa ối. Nguyên nhân của bệnh có thể do rối loạn gen và yếu tố môi trường. Chị nên đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn cụ thể. Trong lần mang thai tới, chị nên tìm hiểu rõ nguyên nhân gây tim bẩm sinh để phòng ngừa và khám thai định kì để phát hiện sớm dị tật thai nhi.
Đỗ Linh
17:23 ngày 22/01/2016
Xin được hỏi BS, với những trẻ nhỏ được can thiệp phẫu thuật quá sớm, dưới 12 tháng tuổi, hoặc quá muộn, sau 15 tuổi, thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe sau này không?

Thời điểm nào mổ tốt nhất không phải là công thức mà phụ thuộc vào:
- Loại bệnh có thể mổ ngay, lên lịch sau sinh là mổ, tùy thời điểm dậy thì của bé gái...
- Năng lực, trình độ chuyên môn
- Sự tiến bộ của nền y học thế giới Các bác sĩ chuyên khoa, các trung tâm chuyên sâu về tim mạch sẽ tư vấn giúp phụ huynh chính xác thời điểm nào nên mổ, bệnh nào cần phải mổ vì không phải tất cả các bệnh tim bẩm sinh đều phải mổ mới giải quyết được.
Ngô Trần Minh Châu
17:23 ngày 22/01/2016
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách để có được sức khỏe tốt. Vậy thưa TS. BS Nguyễn Hoàng Định, ông có lời khuyên gì cho các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc con bị tim bẩm sinh không?

TS. BS Nguyễn Hoàng Định: Đối với trẻ tim bẩm sinh cần quan tâm:
Thể lực: yếu hơn bạn cùng trang lứa nên không ép làm việc nặng, tập luyện phù hợp
Chế độ ăn uống: cân bằng, không thừa cân béo phì, ăn chậm, chia làm nhiều bữa để trẻ không bị mệt khi ăn. Với trẻ tim bẩm sinh bị tím thường thiếu máu nên cần bổ sung thực phẩm giàu chất sắt.
Giữ ấm cơ thể, tiêm vắc-xin ngừa cúm.
Bình luận (0)