VIDEO: “Không nên trói chặt những gì bất di bất dịch vào Hiến pháp"

VTV

02/03/2013 13:16 GMT+7

Xoay quanh những điểm mới trong quy định về vị trí của kinh tế nhà nước trong dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992, VTV đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Du Lịch.

Những qui định về Chế độ kinh tế và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung dành được sự quan tâm của đông đảo nhân sỹ, trí thức và nhân dân đặc biệt quan tâm trong quá trình tham gia góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

So với Hiến pháp hiện hành, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có khá nhiều điểm mới qui định về chế độ kinh tế và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung mà thực chất là gộp tới 6 điều thành 1 điều với quy định “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

‘ Phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Du Lịch – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HC về những điểm mới trong quy định này:

Dự thảo Hiến pháp không còn quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể trở thành nền tảng của nền kinh tế. Thưa TS Trần Du Lịch, ông nhìn nhận như thế nào về những điểm mới này trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi?

- Trước hết tôi hoàn toàn ủng hộ cách sửa đổi và cơ cấu gộp hai chương về chế độ kinh tế và chương chế độ văn hoá – xã hội - khoa học và môi trường vào một chương chung. Nó phù hợp với tính chất bản Hiến pháp là quy định những vấn đề căn bản mà không đi vào chi tiết những vấn đề mà nó phát sinh, thay đổi trong quá trình vận hành của nền kinh tế cũng như điều hành đất nước nói chung.

Trong chương chung về kinh tế - văn hoá - xã hội lần này, riêng phần về kinh tế thì chúng ta tập trung đi sâu một số điểm cơ bản. Thứ nhất, xác định mô hình kinh tế Việt Nam là mô hình gì thì chúng ta nêu rõ về mô hình. Thứ hai, làm rõ tư tưởng, chiến lược cương lĩnh của Đảng là các thành phần kinh tế bình đẳng, là những bộ phận quan trọng cấu thành của nền kinh tế Việt Nam.

Trong quá trình CNH - HĐH, tôi nghĩ rằng mỗi thành phần có vị trí vai trò nhất định trong từng giai đoạn phát triển của khu vực, quá trình công nghiệp hoá. Nếu chúng ta nhìn quá trình dài hạn từ nay đến giữa thế kỉ 21 là đưa nước ta thành một nước công nghiệp hiện đại, phát triển thì trong qua trình đó, mỗi giai đoạn 5 năm, 10 năm vai trò của mỗi thành phần kinh tế có thể thay đổi khác nhau nhưng đều tập trung chung là những bộ phận quan trọng của nền kinh tế nhà nước. Do đó, việc quy định Hiến pháp lần này không đi vào chi tiết từng loại, từng thành phần mà khái quát như vậy là phù hợp.

Vai trò của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể không còn được hiến định, vậy phải chăng quan điểm cho rằng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 được chúng ta xác định tại đại hội XI đã không còn phù hợp? Và sự thay đổi như dự thảo liệu có ảnh hưởng đến định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam?

- Tôi không nghĩ như vậy. Lâu nay chúng ta dường như có một sự nhầm lẫn giữa kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng, là một bộ phận cấu thành kinh tế nhà nước. Từ đại hội IX chúng ta đã khẳng định, kinh tế nhà nước chủ đạo chứ không phải doanh nghiệp nhà nước chủ đạo. Trong quá trình chúng ta khẳng định các thành phần kinh tế là quan trọng trong từng giai đoạn, thì việc điều hành chính sách để phát huy vai trò chủ đạo của từng đối tượng nào thì nó tuỳ thuộc vào chính sách của nhà nước.

Ví dụ, chiến lược nhà nước trong 10 năm tới do nhu cầu CNH những lĩnh vực, ngành nghề mà thị trường chưa có thể đáp ứng được, thành phần kinh tế khác không làm được thì kinh tế nhà nước trong đó có doanh nghiệp nhà nước tập trung để dẫn dắt, đầu tư để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Nhưng trong một giai đoạn khác khi các thành phần kinh tế có thể làm thì nhà nước có thể thay đổi, không nhất thiết phải làm những cái mà các thành phần kinh tế phải làm. Rõ ràng, giữa hiến pháp và việc điều hành 5 năm, 10 năm về cơ bản tư tưởng Hiến pháp chủ đạo nhưng tạo một không gian, dư địa để điều hành chính sách linh hoạt. Chúng ta không nên trói chặt những vấn đề bất di bất dịch vào Hiến pháp, bởi Hiến pháp là luật lâu dài chứ không phải 5 năm 10 năm.

Trong chương kinh tế quy định những vấn đề cốt lõi như vậy để thấy được mô hình phát triển kinh tế Việt Nam là mô hình gì? Các thành phần kinh tế bình đẳng như thế nào? Vai trò quan trọng của đất nước như thế nào? để cùng động viên mọi nguồn lực cho sự phát triển. Như vậy là phù hợp.

Vậy trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của kinh tế nhà nước và vai trò Nhà nước cần được nhìn nhận thư thế nào cho đúng? Kinh tế nhà nước cần phải làm gì để khẳng định được vai trò của mình thưa ông?

- Để định hướng phát triển đất nước tuỳ thuộc lớn nhất là thể chế kinh tế, chính sách. Chúng ta muốn động viên, thúc đẩy phát triển cái gì phụ thuộc thể chế. Cái chủ đạo lớn nhất theo quan điểm của tôi là thể chế. Còn lực lượng vật chất của nhà nước cũng rất quan trọng nhưng vấn đề về thể chế là quan trọng hơn. Đó là cái chúng ta cần kiên trì để hoàn thiện thể chế, như chương trình, cưỡng lĩnh hay chiến lược 10 năm mà chúng ta đã nêu, là một trong 3 luật pháp chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế. Cái đó tạo sự dẫn dắt cho thị trường và các thành phần kinh tế khác đi theo.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Quý khán giả có thể xem lại cuộc trao đổi về vai trò kinh tế nhà nước trong dự thảo sửa đổi trong chương trình Thời sự 19h ngày 1/3.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.