Theo đánh giá chung tại cuộc làm việc, tình hình kinh tế - xã hội của Gia Lai tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt ở mức 2 con số; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người tăng khá, đạt hơn 26 triệu đồng 1 người 1 năm; giảm được hơn 3,8% hộ nghèo trong năm ngoái.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp và chế biến quy mô lớn với hơn 100 ngàn ha cao su và 8 nhà máy chế biến mủ tổng công suất trên 50 ngàn tấn năm. Tuy nhiên, những khó khăn về hạ tầng, khoảng cách giàu nghèo đang là những trở lực lớn trên con đường phát triển của Gia Lai.
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và kết quả đạt được của Gia Lai về phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; chất lượng nguồn nhân lực; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao; Thủ tướng cho rằng không có cách nào khác là Gia Lai phải tiếp tục nỗ lực phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Đặc biệt, việc giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển phải được địa phương dành nguồn lực và sự quan tâm đặc biệt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Gia Lai rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm để tập trung phấn đấu hoàn thành. Phát huy cao độ sức mạnh nội lực, thu hút các nguồn lực cho đầu tư và phát triển. Trong bối cảnh khó khăn, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là sự sâu sát của các cấp chính quyền địa phương trong tháo gỡ một cách cụ thể, thiết thực, nhất là vốn, lãi suất, thủ tục hành chính.
Thủ tướng cũng đề nghị với lợi thế là vùng chuyên canh nông nghiệp và cây công nghiệp lớn, Gia Lai cần đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, gia tăng giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời với việc triển khai có kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại.
Để có bước phát triển mạnh mẽ hơn, tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành nghề và lĩnh vực tiềm năng. Quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng y tế, giáo dục; đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý Gia Lai cần tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của Gia Lai như đề nghị đầu tư nâng cấp nhà ga của sân bay Pleiku; đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư đối với một số công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, văn hóa… của địa phương.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Trung ương đã đến dâng hoa tưởng niệm trước Tượng đài Bác Hồ với các Dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại đoàn kết ở thành phố Pleiku.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và nói chuyện với các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Gia Lai. Với vị trí công tác trên địa bàn chiến lược, Thủ tướng đề nghị lực lượng Công an tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, là lực lượng nòng cốt bảo đảm ngày càng vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là công tác kiềm chế, đẩy lùi tội phạm và tai nạn giao thông. Kiên quyết không để nhen nhóm, hình thành các tổ chức chống đối, gây bạo loạn, lật đổ, làm tốt hơn nữa thế trận an ninh nhân dân.
Trước đó, đến thăm Trung đoàn Cảng sát Cơ động Tây Nguyên đóng quân tại thành phố Pleiku, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn cán bộ, chiến sỹ luôn nắm chắc tình hình ở những địa bàn trọng điểm, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để xây dựng phương án, kế hoạch tác chiến, không để bị động, bất ngờ; đồng thời xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đến thăm cán bộ, chiến sỹ quân đoàn 3 có tên gọi truyền thống là Binh đoàn Tây Nguyên được thành lập ngày 26/3/1975, tiền thân của Mặt trận Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của quân đoàn. Đồng thời nhấn mạnh quân đoàn 3 với vai trò là quân đoàn chủ lực đứng chân trên địa bàn chiến lược, Thủ tướng mong muốn quân đoàn tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, ra sức khắc phục những khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần phải quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nhiệm vụ bảo vệ địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Tại thành phố Pleiku, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai. Đây là bệnh viện được đầu tư hiện đại, quy mô 200 giường và áp dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại. Đặc biệt đây là công trình được thực hiện theo phương thức hợp tác Công - Tư, PPP - một mô hình kết hợp giữa dịch vụ, kỹ thuật, quản lý của một đơn vị Nhà nước với nguồn tài chính và đầu tư của tư nhân.
Bình luận (0)