Từ việc cấp số định danh cho công dân, sẽ tiến tới việc người dân muốn làm thủ tục hành chính, chỉ cần cung cấp số định danh công dân để tra cứu thông tin, mà không cần các giấy tờ tùy thân như hiện nay. Bên cạnh đó, với việc sử dụng số định danh công dân, sẽ tiết kiệm được vài nghìn tỷ đồng chi phí cho các thủ tục hành chính mỗi năm.
BTV : Thưa ông, từ ý tưởng nào để bộ Tư pháp xây dựng nội dung này?
Ông Nguyễn Công Khanh: Hiện nay, trên các giấy tờ của công dân đều có các số hoặc mã số, mỗi công dân có thể có một mã số như mã số thuế thu nhập cá nhân và mỗi một loại giấy tờ công dân lại có một số để quản lý như số Chứng minh nhân dân, số Hộ chiếu, số Thẻ bảo hiểm y tế, số Sổ bảo hiểm xã hội, số Giấy phép lái xe...
Việc lâu nay các ngành độc lập làm số hay mã số riêng mặc dù các số hay mã số này đều chứa đựng nhiều thông tin cá nhân trùng nhau không có sự kết nối, chia sẻ… nên gây tốn kém, ít hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Việc không thống nhất trong quản lý đối với công dân bằng số định danh sẽ là một trở ngại trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về công dân giữa các ngành. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tập trung quản lý, tra cứu, khai thác các thông tin cơ bản của công dân để phục vụ quản lý nhà nước, cũng như lợi ích của người dân.
Với việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước thành công trong công tác quản lý dân cư bằng số định danh như Singapore, Malaysia, Đức, Áo, Thụy Điển, Hàn Quốc, Bosnia và Herzegovina, bộ Tư pháp đã đề xuất quy định về số định danh công dân trong dự thảo Luật Hộ tịch.
BTV: Nếu được chấp nhận, Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó nội dung cơ bản là việc cấp số định danh công dân, sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dân cũng như cho chính cơ quan nhà nước?
Ông Nguyễn Công Khanh: Chi phí cho việc in bản sao, chứng thực bản sao các giấy tờ mà người dân phải nộp khi thực hiện các thủ tục hành chính lên đến gần 4.780 tỷ đồng/năm.
Nếu chúng ta có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ quan hành chính dùng số định danh công dân để tra cứu thông tin về công dân, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu vô cùng lớn việc phải yêu cầu công dân khai các thông tin của mình trên các mẫu giấy tờ. Điều này cũng giúp cho việc đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính như thủ tục tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, xác minh hồ sơ….
Mặt khác, công dân hiện nay đang có nhiều loại giấy tờ do nhiều cơ quan cấp theo từng lĩnh vực: Bộ Công an cấp các loại giấy tờ như Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu; Bộ Tư pháp cấp các giấy tờ hộ tịch cho công dân như Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy chứng tử…
Việc tổng thể rà soát các giấy tờ công dân, theo nội dung của Đề án nêu trên, nhằm rút ra những nội dung chung nhất của các giấy tờ này liên quan đến công dân, như: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, dân tộc, quốc tịch… Từ đó đưa ra phương án tích hợp những thông tin cơ bản nhất của công dân vào một hay một số loại giấy tờ nhất định. Trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, số định danh công dân sẽ giúp cắt giảm được nhiều giấy tờ tùy thân.
Theo Đề án này, trong tương lai, công dân có thể sẽ có một hoặc hai loại giấy tờ tùy thân, trên đó có ghi Số định danh của mỗi người. Công dân chỉ cần xuất trình loại giấy có ghi Số định danh khi thực hiện các thủ tục hành chính, đó là sự tiện lợi vô cùng lớn…
Dự kiến, Đề án sẽ được trình Chính phủ trong tháng 3/2013 cùng với dự án Luật hộ tịch. Nếu được phê duyệt, lộ trình thực hiện Đề án giai đoạn 1 vào 2013 - 2014 sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp và quản lý số định danh công dân với xuất phát điểm là Luật Hộ tịch. Giai đoạn 2 vào 2014 - 2020 sẽ triển khai thực hiện cấp số định danh công dân và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư |
Bình luận (0)