Ở thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, nhiều gia đình bước ra khỏi nhà là gặp ngay công trình cấp nước. Chỉ có điều, vòi nước có sẵn nhưng mở ra thì chẳng bao giờ có nước. Nhiều năm nay, sự tồn tại của vòi nước chỉ để cho thấy, ở làng đồng bào Raglai này từng có một công trình nước.
Sau khi hệ thống nước tự chảy bị hư hỏng với lý do tuyến ống đi qua địa hình phức tạp, một công trình cấp nước theo dạng khác được đầu tư đó là khoan giếng tại chỗ để cấp nước tập trung ngay tại bể chứa. Trên địa bàn xã Khánh Thành với 500 hộ dân có đến 6 bể chứa.

Chính quyền địa phương đã đưa ra cách vận hành là mỗi hộ gia đình sử dụng nước đóng góp 15.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ bù được chi phí vận hành và sửa chữa nhỏ. Còn nếu xảy ra hư hỏng, không còn cách nào khác là người dân phải chờ đợi. Các gia đình sống cạnh bể chứa nước giờ chỉ còn cách ra suối để lấy nước. Dẫu biết nước không hợp vệ sinh cũng phải chấp nhận bởi nếu không thì chẳng có nước để dùng.
Khan hiếm nước sinh hoạt bởi nắng hạn càng trở nên căng thẳng ở miền núi Khánh Hòa, nhất là đối với những địa phương có các công trình cấp nước bị hư hỏng. Quản lý công trình cấp nước vốn không đơn giản lại càng khó khăn hơn đối với vùng nông thôn, miền núi khi thiếu nguồn vốn tu bổ, vận hành và thiếu con người để làm công việc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Bình luận (0)