Thiếu nước nên tình hình xâm mặn ở nhiều địa phương cũng đang diễn biến bất thường, nhiều nơi, nước mặn vào sớm hơn 1 tháng so với mọi năm, sâu tới 15km và độ mặn gấp tới 5-10 lần.
Cục Trồng trọt cho biết, trước tình hình này, vụ Đông Xuân năm nay, diện tích gieo cấy tại miền Trung và Tây Nguyên đã phải giảm hơn 4.000 ha so với năm ngoái. Với những diện tích đã xuống giống, thiệt hại lớn nhất lúc này là tỉnh Bình Định với 5.000ha lúa bị mất trắng, tính bình quân một ha, nông dân mất 30 triệu đồng. Ngoài ra, khoảng 10.000 ha lúa đã phải chuyển đổi sang các cây trồng cạn.
Tại Hội nghị, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khuyến cáo: “Việc chuyển đổi từ lúa sang màu cần có đề án chuyển đổi dài hạn. Vì không chỉ năm nay, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với hạn hán lâu dài, việc trồng lúa rất bấp bênh, không nên khuyến khích. Hiện nay sản lượng lúa của chúng ta đã cao rồi”.
Tuy nhiên, trong tình hình khô hạn hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng nhận định, cây công nghiệp sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn. Hơn 20% trong tổng số 550.000 ha cà phê ở Tây Nguyên không có nước tưới và có nguy cơ giảm sản lượng. Khoảng 30.000 ha trồng mía ở Gia Lai có nguy cơ không trồng mới được.
Dự báo, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên sẽ tiếp diễn, vì vậy, Bộ NNPTNT khuyến cáo các địa phương nên tích cực chống hạn, thay đổi giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tiết kiệm nước tối đa trong vụ Hè Thu sắp tới.
Bình luận (0)