Lúa ĐBSCL: Luẩn quẩn đầu ra, người nông dân chịu thiệt

Huỳnh Tâm (Ảnh khai thác)

25/03/2013 13:31 GMT+7

Trong khi lúa chất lượng cao vẫn còn tồn đọng từ các vụ trước không bán được, vụ Hè Thu 2013, nông dân Hậu Giang lại chuyển ồ ạt sang sản xuất lúa phẩm cấp thấp với mong muốn dễ có người mua.

Nhiều nông dân vùng ĐBSCL trong đó có tỉnh Hậu Giang đang bắt tay vào sản xuất vụ Hè Thu năm 2013. Trước thực tế lúa thơm, lúa chất lượng cao khó tiêu thụ, trong khi lúa IR 50404 hay còn gọi là lúa phẩm cấp thấp dễ bán giá cả tương đối cao nên nhiều bà con đang có xu thế quay trở lại với giống lúa này.

Thực trạng đầu ra cho lúa tại ĐBSCL là nghịch lý, là bài toán nan giải mà ngành nông nghiệp các địa phương trong vùng đang loay hoay tìm lời đáp.

Trước những khuyến cáo của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không nên gieo sạ quá 20% diện tích đối với các giống lúa phẩm cấp thấp. Tuy nhiên, vào vụ Hè Thu năm 2013 tại nhiều địa phương ở tỉnh Hậu Giang diện tích nói trên đã tăng lên từ 30 - 40%, có nơi lên đến 100%. Thời gian trồng ngắn, năng suất cao, giá cả và đầu ra tương đối dễ… là những nguyên nhân cơ bản làm cho nông dân đẩy lùi các giống lúa chất lượng cao và ưu tiên sản xuất lúa IR 50404 trong vụ Hè Thu này.

‘ Vụ hè thu 2013, người dân ĐBSCL chuyển hướng trồng lúa phẩm cấp thấp IR 50404

Ông Đặng Kiềm, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A cho biết: “Đối với giá bán vụ mùa vừa rồi, lúa IR50404 được giá tương đối tốt, những năm trước thì bán không được. Bà con thấy lúa nào bán được cao chạy theo sản xuất giống đó nhiều”.

Ông Bùi Văn Biến, nông dân huyện Châu Thành A cho biết: “Làm giống khác ít quá thì thương lái cũng mua chung với lúa IR50404 cũng vậy, giá cũng thấp vậy thôi. Mà nó còn kéo dài thời gian mình sạ 3 vụ không kịp”.

Theo tính toán của nhiều nông dân, nếu trồng lúa IR 50404 thì nhẹ chi phí, năng suất khá cao, khoảng 6 - 7 tấn/hecta, cá biệt có một số hộ đạt 9 - 10 tấn/hecta, trừ chi phí còn lợi nhuận 1 - 1,2 triệu đồng/công. Ngoài ra, IR 50404 còn là loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn từ 85 - 90 ngày.

Về giá so với các giống lúa khác cũng không chênh lệch nhiều. Song ngành nông nghiệp tỉnh khẳng định, đây chỉ là giống lúa có phẩm cấp gạo thấp, giá cả thị trường rất bấp bênh.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi Cục Trưởng Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trong vụ Hè Thu này chúng tôi khuyến cáo bà con không vì thị trường lúa IR50404 có giá mà tập trung sản xuất nhiều. Vụ Đông Xuân chất lượng lúa này có thể chấp nhận được, nhưng vụ Hè Thu thường rất xấu và có khả năng không thể tiêu thụ. Đồng thời, IR50404 rất yếu rạ nên khả năng thất thoát sau thu hoạch là rất lớn”.

Vụ lúa Hè thu 2013, Hậu Giang có kế hoạch gieo sạ khoảng 76.000 hecta, đến thời điểm này nông dân đã xuống giống được hơn 10.000 hecta, trong đó giống IR 50404 chiếm diện tích khá cao hơn 40%. Con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng theo thói quen sản xuất của nông dân. Thực tế cho thấy việc tập trung sản xuất ồ ạt một loại giống sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường.

Câu chuyện “Lúa IR50404 bế tắc đầu ra” năm 2011 là một ví dụ cụ thể, tuy nhiên để thay đổi thói quen của nông dân sẽ là bài toán rất nan giải hiện nay. Việc nông dân ồ ạt sản xuất lúa phẩm cấp thấp không chỉ diễn ra ở Hậu Giang, mà còn có ở các tỉnh, thành ĐBSCL.

Ngành nông nghiệp và người nông dân sẽ làm gì khi trong thời gian tới, khi thu hoạch vụ mùa Hè Thu nguồn cung của loại nông sản này vượt cầu, giá cả cũng như đầu ra không ổn định.

Tin liên quan

Kiên Giang: Lúa chất lượng cao vẫn... ế

Kiên Giang: Lúa chất lượng cao vẫn... ế

Vụ lúa Đông Xuân 2012, tỉnh Kiên Giang sản xuất gần 300.000 hecta, sản lượng 2,1 triệu tấn lúa. Trong đó, lúa chất lượng cao chiếm hơn 71% tổng sản lượng, năng suất cao nhưng giá lúa thấp và đầu ra hiện vẫn khó khăn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.