Động đất phá huỷ hệ sinh thái biển Nhật Bản

Nguyệt Hà

19/08/2011 11:30 GMT+7

Trận động đất mạnh 9 độ Richter gây sóng thần ngày 11/3 vừa qua tại khu vực Đông bắc Nhật Bản đã tạo ra các vết nứt trên đáy biển ở toàn bộ khu vực và phá hủy hệ sinh thái dưới biển sâu.

Sóng thần sau khi xảy ra trận động đất mạnh 9,0 độ Richter ở Miyako, tỉnh Iwate ngày 11/3. (Nguồn: AFP)

Các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khoa học và Công nghệ Hải dương Nhật Bản cho biết, họ đã tìm thấy một số vết nứt, có vết rộng tới 1m dưới đáy biển ở độ sâu 5000m, gần thành phố biển Sendai ở tỉnh Miyagi.

Trong cuộc khảo sát hồi đầu tháng này, các nhà khoa học cũng phát hiện cả một hệ sinh thái hữu cơ dưới đáy biển từng tồn tại ở khu vực này trong nhiều năm giờ không còn nữa. Trận siêu động đất gây sóng thần ngày 11/3 vừa qua đã gây ra tình trạng lở bùn dưới đáy biển và làm thay đổi thành phần của đất.

Ông Katsunori Fujikura - Nhà khoa học hàng đầu, Cơ quan KH-CN Hải dương Nhật Bản cho biết: "Trận động đất ngày 11/3 đã phá hủy đáy biển, tạo ra các vết nứt và lở bùn. Chúng tôi phát hiện ra rằng, toàn bộ hệ hữu cơ dưới biển từng tồn tại lâu nay giờ đã bị xóa sạch hoàn toàn hoặc bị thay thế bởi những loài khác”.

Nhóm khoa học còn phát hiện bên trong những vết nứt là một lớp trầm tích màu trắng giống gelatine và những tổ chức vi khuẩn phản ứng được với khí methane ngấm qua những vết nứt dưới mặt đất. Theo nhà khoa học Fujikura, các vi khuẩn này chắc chắn có thể phá hủy hệ sinh thái dưới đáy biển do chúng tạo ra các chất độc hại, khiến đáy biển trở thành nơi không thể cư trú được đối với nhiều tổ chức hữu cơ khác.

Hiện các nhà khoa học đang đặt mục tiêu nghiên cứu lâu dài là xác định liệu hệ sinh thái dưới đáy biển có còn được khôi phục và có thể khôi phục được trong thời gian bao lâu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.