Để làm rõ hơn về công tác phòng chống dịch cũng như nguy cơ lây lan của dịch cúm gia cầm tại Tây Nguyên, phóng viên Đài THVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cảnh Tự, Giám đốc cơ quan Thú Y vùng 5.
‘ Ông Nguyễn Cảnh Tự, Giám đốc cơ quan Thú Y vùng 5 (bên trái) trả lời phỏng vấn của phóng viên VTV. (Ảnh: VTV News)
PV: Từ đầu năm đến nay, Đăk Lăk đã phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm. Ông có thể đánh giá mức độ của các điểm dịch này thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Cảnh Tự: Từ đầu năm 2013 đến nay trên địa bàn Đăk Lăk đã phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm. Vụ gần đây nhất xảy ra ở huyện Krong Ana với số lượng 1.300 con vịt. Vụ việc được phát hiện từ ngày 12/4, nhưng gia đình đã tự chữa và không báo cho cơ quan chức năng biết. Đến ngày 16/4, khi có trên 200 con vịt bị chết lúc đó họ mới báo cho cơ quan thú y. Sau khi lấy mẫu và chẩn đoán Chi cục Thú ý đã chẩn đoán đàn vịt dương tính với H5N1.
PV: Trước những diễn biến của dịch bệnh gia cầm, ngành chức năng mà đặc biệt là cơ quan thú y đã có kế hoạch khống chế dịch như thế nào?
Ông Nguyễn Cảnh Tự: Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Cục Thú y, quá trình phòng chống cúm gia cầm ở các tỉnh Tây nguyên đã được chúng tôi thực hiện rất quyết liệt. Mặc dù, Tây Nguyên không nằm trong chương trình quốc gia tiêm phòng cúm gia cầm nhưng đứng trước tình hình diễn biến cúm phức tạp, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã lập kế hoạch phòng chống dịch.
PV: Qua 3 lần phát hiện ổ dịch, ông có thể đánh giá khả năng phát tán của các ổ dịch này và chúng ta có cần phải công bố dịch hay không?
Ông Nguyễn Cảnh Tự: Khi các ổ dịch xảy ra, chúng tôi đã tiến hành chống dịch nên khả năng bùng phát của dịch bệnh là không cao. Theo điều tra dịch tễ học mức độ dịch bệnh trên gia cầm cũng không nguy hiểm lắm.
Bình luận (0)