Thời trang nhanh, hay còn được gọi là thời trang ăn liền (Fast Fashion), là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh chóng; chúng lấy ý tưởng từ những món đồ trong các buổi trình diễn thời trang và được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng. Một số hãng thời trang nhanh nổi tiếng thế giới bao gồm Zara, H&M, Uniqlo và Topshop.
Nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát thì các hãng này đã phải chậm lại. Trên toàn cầu, các thương hiệu thời trang nhanh đều phải đóng hàng trăm cửa hàng và sa thải nhân viên vì doanh thu liên tục sụt giảm.

Zara phải đóng 1.200 cửa hàng trên thế giới.
Các cửa hàng ở châu Âu và châu Á buộc phải đóng cửa. Thương hiệu Zara, niềm tự hào của tập đoàn thời trang số 1 thế giới thông báo phải đóng 1.200 cửa hàng trên thế giới. Theo nghiên cứu thị trường gần đây nhất, lượng khách đi mua sắm tại các cửa hàng thời trang nói chung vào đầu tháng 06/2020 đã giảm 59% so với cùng thời kỳ năm 2019. H&M báo cáo khoản doanh thu trong quý 1 giảm tới 50% so với năm trước.
Để đối phó với tình hình COVID-19, nhiều hãng thời trang chọn cách từ bỏ những phương thức quảng bá truyền thống, như Gucci với thông báo hủy tuần lễ thời trang của mình. Thay vì sản xuất hàng loạt, một số hãng chọn phương thức sản xuất theo đơn đặt hàng, dẫn đầu xu hướng là thương hiệu Esse and Paradigm Shift của Singapore. Hoặc chọn cách giới thiệu mẫu thiết kế qua trang web hoặc nền tảng Kickstarter và chỉ may số lượng nhất định khi có người đặt. Chiến lược này vừa tiết kiệm nhân công, vừa tiết kiệm nguyên liệu.
Nhưng dịch COVID-19 không chỉ thay đổi cách bán hàng mà còn thay đổi cả cách tiêu dùng của người tiêu dùng. Nghiên cứu của RSA cho thấy trong thời gian dịch bệnh bùng phát, 28% người dân tái chế hoặc tái sử dụng quần áo nhiều hơn bình thường và 35% phụ nữ sẽ ít sắm đồ may mặc hơn trong tương lai.

Phong cách tiêu dùng của người dân hậu COVID-19 cũng đã khác hoàn toàn.
Trong khi đó, những nền tảng cho thuê quần áo trực tuyến như Ycloset tại Trung Quốc lại chứng kiến nhu cầu đặt thuê tăng vọt, đặc biệt khi mọi người đi làm trở lại. Đối với thế hệ Z, những người từ 18 đến 24 tuổi càng ý thức hơn về việc tiết kiệm nguồn tài chính cá nhân thay vì đầu tư vào những món đồ sở hữu. Tờ The Guardian nhận định “mua ít hơn nhưng chất lượng hơn” đang là lý tưởng mua sắm của giới trẻ.
Hãy cùng đón xem bản tin Tiêu dùng 24h phát sóng vào 10h hàng ngày trên VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Bình luận (0)