Theo PGS. TS. Bùi Vũ Huy, trong các bệnh truyền nhiễm có nhiều bệnh lây theo đường hô hấp (như: sởi, cúm, ...), có nhiều bệnh lây theo đường tiêu hóa (như: tả, lỵ, ....) hoặc có những bệnh lây theo đường niêm mạc (như: viêm não Nhật Bản, bệnh dại, ...).
Trong các đường lây nhiễm trên, đường hô hấp là đường có khả năng lây truyền mạnh và cao nhất. Điều này đã được nền y học thế giới ghi nhận, đặc biệt là trong các vụ dịch cúm, sởi... Chúng ta nên hiểu rằng, lây theo đường hô hấp xảy ra ngay cả khi chúng ta cười, nói chuyện, các mầm bệnh sẽ bắn ra môi trường qua nước bọt, sẽ lan ra môi trường xung quanh.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đã từng khuyến cáo, khi có dịch lây qua đường hô hấp cần hạn chế hội họp, tiếp xúc đông người. Các bậc phụ huynh khi đưa con đi khám bệnh, mọi người cần đeo khẩu trang để hạn chế các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Về tình trạng nhiều cháu nhẹ đến bệnh viện lại nặng thêm, PGS. TS. Bùi Vũ Huy cho biết: “Chúng ta nên hiểu rằng, khi các cháu mới bị bệnh thì thường bệnh chưa nặng ngay. Trong các bệnh do virus, bệnh thường nặng và biểu hiện rõ vào ngày thứ 3-4 của bệnh. Tôi hi vọng các phụ huynh có thể hiểu được tình huống này. Và cũng lưu ý rằng, các biến chứng sau nhiễm virus cũng làm tình trạng bệnh nặng trở lại”.
Để giảm nguy cơ lây chéo, chúng ta nên thường xuyên nghe các thông tin phổ biến kiến thức và cố gắng áp dụng đầy đủ cho người thân và gia đình.
Bình luận (0)