Phong trào thể dục thể thao quần chúng ở huyện Lệ Thủy

Theo Thể thao Việt Nam

23/05/2015 13:00 GMT+7

VTV.vn - Lệ Thủy là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống đấu tranh cách mạng. Trong những năm qua phong trào TDTT nơi đây đã có những thay đổi đáng kể.

Được sự phối hợp và hỗ trợ từ các ngành, các cấp trên địa bàn huyện, phong trào TDTT quần chúng được lan rộng đến nhiều đối tượng và địa bàn dân cư với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thông qua các dịp Lễ hội ở địa phương và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, một số môn thể thao đã thường xuyên được quan tâm tổ chức. Trước hết là giải cờ tướng đầu xuân là giải đấu truyền thống hàng năm được tổ chức vào ngày mồng 5 tết, với sự tham gia của các địa phương có phong trào cờ phát triển mạnh là Kiến Giang, Xuân Thuỷ, Thanh Thuỷ, Lộc Thuỷ, An Thuỷ...năm 2009 câu lạc bộ cờ tướng Kiến Giang ra đời, đây là địa điểm tập luyện thường xuyên của các vận động viên trong toàn huyện. Cờ tướng Lệ Thuỷ nhiều năm liền dẫn đầu toàn tỉnh, trong đó có một số VĐV thi đấu thành công như: Châu Đình Hảo, Hoàng Đức Trung, Hoàng Đức Thành...Đặc biệt tại giải cờ vua tỉnh Quảng Bình năm 2014 (chương trình Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ VII năm 2014), đội cờ vua huyện Lệ Thủy đã xếp hạng nhì toàn đoàn, trong đó, đồng đội nữ xếp nhì đồng đội và nhất đồng đội nam.

Giải bóng chuyền nam, nữ được tổ chức giữa tháng 8 hàng năm để chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 với sự tham gia trên 20 đội bóng của các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện có phong trào bóng chuyền phát triển mạnh như: An Thuỷ, Phong Thuỷ, Lộc Thuỷ, Tân Thuỷ, Ngư Thuỷ Nam, Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy...thu hút hàng chục ngàn lượt khán giả đến xem và cổ vũ; Lễ hội Bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang chào mừng kỷ niệm Quốc khánh 2/9 là đỉnh cao của phong trào TDTT quần chúng ở huyện Lệ Thủy, Lễ hội bơi, đua thuyền không chỉ là ngày hội vui chơi, đua tài của người dân xứ Lệ mà còn là một Lễ hội cầu yên (an cư), cầu thịnh (lạc nghiệp) và cầu siêu (siêu độ vong linh). Khác với các Lễ hội bơi, đua thuyền ở các nơi khác thì Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang gắn với những điệu hò khoan mang đậm màu sắc văn hoá của một vùng quê sông nước, là chổ dựa tinh thần của người dân, làm cho họ có thêm sức mạnh để chiến thắng thiên tai. Hàng năm cứ vào ngày Quốc khánh 2/9, Lễ  bơi, đua thuyền truyền thống lại diễn ra sôi nổi và hào hứng trên sông Kiến Giang với tham gia của 28 thuyền bơi, đua của nhiều xã, thị trấn trong huyện. Nhân dân xem đó là “Tết độc lập 2/9” . Lễ hội bơi, đua thuyền trở thành nét đẹp văn hoá, thể thao truyền thống và được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là Lễ hội Văn hoá truyền thống cấp tỉnh năm 2003. Các cuộc thi đấu khác như kéo co, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, quần vợt… ngày càng trở nên quen thuộc và nhận được sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, các VĐV. Nhiều sân bãi bóng chuyền, cầu lông được nâng cấp và xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu của các đối tượng ở xã, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố, toàn huyện đến nay có 187 sân bơi tập luyện thể thao với diện tích 585.960m2, có 252đội bóng chuyền nam, 214 đội bóng chuyền nữ, 40 đội bóng đá¸, 21thuyền bơi nam, 8thuyền đua nữa, 55 CLB TDTT cơ sở như:  Võ thuật, cờ tướng, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh…; số người tập luyện thể thao thường xuyên hàng năm tăng lên đáng kể, trong đó thị trấn Kiến Giang, xã Phong Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy, An Thủy…là những đơn vị có số người tập thể dục nhiều nhất (đi bộ, chạy bộ, thể dục dưởng sinh) với trên hàng trăm người tham gia vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tối. Đặc biệt trong thời gian vừa qua phong trào tập luyện bóng chuyền trong lực lượng chị, em phụ nữ ở nông thôn ngày càng phát triển rầm rộ, sau một ngày lao động vất vã trên ruộng đồng về, các chị em lại gọi nhau đổ về nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố để cùng nhau chơi bóng chuyền. Không còn hình ảnh của những người phụ nữ chân lấm tay bùn quanh năm chỉ biết trên đồng ruộng mà thay vào đó là những người phụ nữ năng động, sôi nổi trên sân bóng. Tiếng hò reo cổ vũ sôi nổi làm cho không khí làng quê thêm phần sôi động.

Phong trào bóng chuyền phát triển mạnh ở Lệ Thủy

Phong trào bóng chuyền phát triển mạnh ở Lệ Thủy

Công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các mạnh thường quân trong và ngoài huyện ủng hộ phát triển phong trào từ huyện đến cơ sở cả về vật chất lẫn tinh thần, những năm gần đây các tập thể và cá nhân đã ủng hộ cho phong trào TDTT Lệ Thuỷ trên hàng chục tỷ đồng.

Từ những kết quả đạt được của phong trào TDTT ở huyện Lệ Thuỷ, có thể nêu ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, để phong trào TDTT quần chúng phát triển, trước hết các cấp uỷ đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của phong trào TDTT để phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH, thực hiện tốt công tác xã hội hoá. Kinh nghiệm cho thấy ở những địa phương, cơ quan, đơn vị nào được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền thực hiện tốt công tác xã hội hoá thì ở đó phong trào TDTT phát triển đều, rộng và có chất lượng.

Hai là, tích cực tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, làm chuyển nhận thức về tầm quan trọng của việc rèn luyện TDTT nâng cao sức khoẻ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên TDTT có năng lực, trình độ, tâm huyết.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hoá và Thông tin với các ban, ngành, đoàn thể liên quan, tranh thủ sự chỉ đạo của Sở, ban ngành cấp tỉnh, của lãnh đạo huyện, là yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết để huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện TDTT.

Đại hội TDTT cơ sở năm 2013 -2014, là kỳ Đại hội đầu tiên có 28/28 xã, thị trấn và 02 cơ quan đơn vị tổ chức như các cơ quan khối UBND huyện, Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy gồm 07 môn: Bóng chuyền, kéo co, việt dã, bóng bàn, cầu lông, bóng đá, điền kinh tập hợp được 26.927 người tham gia, tổng số công trình thể thao được đầu tư  cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới phục vụ cho Đại hội TDTT cơ sở 56 sân bãi (trong đó 45 sân bóng chuyền, 04 sân cầu lông, 04 sân bóng bàn, 03 sân bóng đá). Đại hội TDTT toàn huyện lần thứ VII năm 2013 đã thành công tốt đẹp với 08 môn thi: Cờ tướng; kéo co; bóng bàn; bơi lội; điền kinh; bóng chuyền và bơi, đua thuyền có 1.690 VĐV của 22 xã, thị trấn và 08 cơ quan, đơn vị tham gia, Lệ Thủy chuẩn bị tốt lực lượng VĐV tham gia Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ VII năm 2014 đạt kết quả cao nhất.

Từ thực tiển phát triển phong trào TDTT của huyện Lệ Thủy thời gian qua, và những định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”; Chiến lược phát triển TDTT từ nay đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lệ Thủy lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2011-2015), mong rằng trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân trong huyện ngày càng quan tâm để phong trào TDTT ở huyện Lệ Thủy tiếp tục có những bước tiến mới, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tạo dựng nhân cách và lối sống lành mạnh trong giới trẻ, đồng thời cũng là hoạt động thiết thực tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"./.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.