Còn nhiều “ma trận” khiến doanh nghiệp gặp khó

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành không có địa điểm kiểm tra tập trung, chưa có sự chuẩn bị về phương tiện kiểm tra và hệ thống kho bãi để lưu trữ hàng hóa nên không thể cho phép DN đưa hàng về địa điểm tập trung để thực hiện kiểm tra chuyên ngành mà phải thực hiện kiểm tra ngay tại cảng. Việc này đã gây ách tắc tại cảng trong thời gian dài và làm phát sinh chi phí lưu kho bãi cho DN trong thời gian chờ đợi kết quả kiểm tra chuyên ngành.

  •  

  • Đại diện một số doanh nghiệp còn "bức xúc" về những khó khăn gặp phải. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Với thời gian chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành từ 5-15 ngày tùy từng lô hàng, DN đã phải trả tiền chi phí lưu container rất lớn: 300.000đ/ngày đối với hàng khô (chi phí 10 ngày lên tới 3 triệu đồng/container khô) và 3.000.000 đồng/ngày lưu container đối với hàng đông lạnh (chi phí 10 ngày lên tới 30.000.000 đồng/container lạnh). Chi phí phát sinh lớn như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh doanh của DN do làm tăng giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của DN.

Về kiểm tra sau thông quan, ông Nam cho biết: Thường khoảng 90% DN bị truy thu ấn định thuế, phạt vi phạm hành chính về thuế. Trong thực tế thì DN không hề có ý gian lận nhưng phải chấp nhận. Thời gian gần đây, kể từ khi áp dụng khai hải quan trên hệ thống VNACCS, những DN khi bị kiểm tra sau thông quan đã phải nhận hậu quả rất nặng nề.  

Có cùng quan điểm về vấn đề sau thông quan, bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Á cho biết, các cơ quan kiểm tra sau thông quan các địa phương, yêu cầu DN phải đến làm việc, khiến DN phải đi khắp các cơ sở Bắc-Nam làm việc với tư tưởng “sợ hãi”. Bà Loan dẫn chứng: Vừa qua, Công ty thành viên của Việt Á nhập khẩu cáp quang cho ngành viễn thông đã có mã định danh thuế suất 0% nhưng hải quan sau khi kiểm tra sau thông quan quy sang mức thuế 3% truy thu, còn hộp nối cáp quang  thuế suất 0% cũng bị chuyển sang thuế suất 20% và truy thu 5 năm. Nếu làm vậy DN dễ bị phá sản vì khi đấu thầu, kinh doanh, DN căn cứ biểu thuế khai thuế, còn cơ quan kiểm tra sau thông quan luôn tìm cách ép DN đưa lên mã có thuế suất cao.

Bà Loan đánh giá, nhiều trường hợp hải quan chưa có sự đồng hành cùng DN, hoạt động sau thông quan như “cái bẫy” mà DN rất sợ, DN không biết áp mã nào để được an toàn. Cơ quan hải quan có xu hướng muốn “hình sự hóa" hoạt động xuất nhập khẩu, khai mã thuế. Khi xử lý hải quan phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật vì nhiều văn bản chỉ là cấp Vụ ký, các công văn nội bộ có nhiều điểm bất hợp lý, ví dụ cùng một loại mặt hàng lúc thì áp mã 5%, lúc 10%, 15% truy thu DN.

Chính những quy định không thuận tiện trong thực tế tạo khe hở gian lận thương mại (mà đây mới là gian lận chủ yếu). Do đó, cần xem lại biểu thuế một cách triệt để, nếu để như hiện tại gây bức xúc cho DN và gây tổn thất cho đất nước.

Giải đáp và điều chỉnh quy định gỡ vướng

Bà Phạm Thị Loan đề nghị không hình sự hóa xuất nhập khẩu trong áp thuế suất DN và thay đổi biểu thuế (đang bất hợp lý) toàn diện và triệt để. Vấn đề xử lý khiếu nại, cần tổ chức xử lý khiếu nại triệt để, không gây bức xúc cho DN. Đồng thời cần phải áp dụng đúng văn bản pháp quy ban hành, không được lạm dụng các văn bản nội bộ, chỉ xử lý được cá biệt một vài doanh nghiệp này, khó xử lý DN khác.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP đề nghị cần sửa Điều 27, Đưa hàng về bảo quản trong Thông tư 128, để tránh gây khó khăn, cần thực hiện theo đề xuất của Bộ NN&PTNT tại công văn số 3928/BNN-TY ngày 12/11/2012 gửi Bộ Tài chính đề nghị cho phép các DN được đưa hàng sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu về kho bảo quản của DN để thực hiện việc kiểm dịch, kiểm tra ATTP theo quy định hiện hành.

  •  

  • Nhiều kiến nghị đã được giải đáp và tiếp thu sửa đổi trong quá trình hoạch định chính sách. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Về thủ tục sau thông quan, ông Nam phân tích, nhiều trường hợp DN làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu là những mặt hàng là nguyên liệu bình thường cứ nhập đi nhập lại năm này qua năm kia mà vẫn bị luồng đỏ (kiểm hóa). Nếu tất cả DN đều bị kiểm tra sau thông quan và hậu quả là không được ân hạn thuế, hàng hóa xuất-nhập khẩu thì bị kiểm hóa gần như toàn bộ thủ tục hải quan quay về quá khứ cách đây 10 năm.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc của DN liên quan đến thủ tục thuế, hải quan. Trong đó có vấn đề không hình sự hóa các vi phạm hành chính liên quan đến thủ tục hải quan, thuế; chủ trương của trên về các chính sách thuế, hải quan theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi, công khai, minh bạch nhưng khi triển khai có những nơi cấp dưới lại đưa ra thêm những yêu cầu phức tạp gây khó khăn cho DN; vấn đề đẩy mạnh cải cách hành chính về thuế và hải quan; sửa đổi biểu thuế xuất nhập khẩu theo hướng rõ ràng, minh bạch...

Thẳng thắn tiếp thu các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Tuấn lưu ý ngành Hải quan là việc quy định kiểm tra sau thông quan phải trên cơ sở quản lý rủi ro theo Thông tư Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng về tiêu chí doanh nghiệp rủi ro. Khi DN rủi ro cao mới đưa vào danh sách thanh tra, kiểm tra loại trừ yếu tố thanh tra, kiểm tra dựa trên các văn bản có tính chất không đủ căn cứ pháp lý.

Về vấn đề khiếu nại, Thứ trưởng Tuấn đề nghị các cơ quan liên quan trong thời gian quy định giải quyết khiếu nại nhanh chóng, triệt để cho DN. Trường hợp DN chưa đồng tình, do vấn đề kinh tế kỹ thuật, Bộ Tài chính sẽ xin ý kiến cơ quan liên quan. Ví dụ như mặt hàng cáp quang đấu nối, Bộ Tài chính sẽ xin ý kiến Hiệp hội Điện tử, hay các bộ quản lý chuyên ngành... đảm bảo đúng quy định không làm ảnh hưởng quyền lợi DN. Trường hợp làm sai, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền thu sai tính cả lãi suất ngân hàng.

Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định hiện Bộ Tài chính trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế. Các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này chủ yếu là các chính sách dài hạn, điều chỉnh nội dung của nhiều Luật thuế như: Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế Tài nguyên, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế...

Huy Thắng