Hiện nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn khi những công ty như chuỗi siêu thị Wal-Mart, hãng sản xuất chip Intel và tập đoàn công nghệ Siemens AG cũng gặp phải tình huống khó khăn tương tự. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) 2014 diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ), lãnh đạo của một số công ty lớn đã bàn luận về cách thức đổi mới công nghệ sẽ tác động tới thị trường kinh tế toàn cầu trong năm 2014.
Ông Dominic Barton, giám đốc quản lý toàn cầu của hãng tư vấn McKinsey & Co, nói: “Khi gặp gỡ các nhà điều hành, điều bạn nghe được là công nghệ đang phát triển nhanh hơn gấp 3 – 4 lần so với hoạt động quản lý. Điều này nghĩa là bạn có thể thực hiện những sáng kiến mới, nhưng cũng nghĩa bạn có thể bị các đối thủ tấn công một cách bất ngờ”.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tổng giám đốc Paul Jacobs của Qualcomm và Giám đốc điều hành Doug McMillon của Wal-Mart đã thảo luận về cách thức mà đổi mới công nghệ sẽ tác động tới thị trường toàn cầu trong năm 2014.
Năm 2013, mặc dù các nền kinh tế Mỹ và châu Âu đã dần phục hồi, một số công ty có uy tín với giới đầu tư vẫn phải đón nhận những thông tin không tốt lành. Tháng 11/2013, chuỗi siêu thị Wal-Mart đã phải lần thứ hai cắt giảm dự báo lợi nhuận (lần thứ nhất là vào giữa năm 2013) do phải cạnh tranh với hãng bán lẻ trực tuyến Amazon.
Những đối thủ cạnh tranh mới nổi
Intel, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, dự đoán doanh số trong năm 2014 sẽ thay đổi rất ít so với năm 2013 giữa lúc chip của những đối thủ nhỏ hơn như ARM đang chiếm lĩnh thị trường chất bán dẫn trong máy tính bảng và smartphone. Trong khi đó, Siemens đã từ bỏ một mục tiêu lợi nhuận và bắt đầu một cuộc cải tổ lớn về cấu trúc khi hiệu suất của các bộ phận công nghiệp và hạ tầng bị giảm mạnh.
Ông Josef Kaeser, CEO của Siemens phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2014: “Số hóa và phần mềm có một vai trò ngày càng lớn trong những thị trường trước đây vốn là thị trường phần cứng truyền thống”.
Đối với Siemens, một trong những thách thức là phải đi trước những hãng phần mềm đang tham gia vào những ngành công nghiệp như thiết bị năng lượng. Tháng 1/2014, Google vừa công bố thương vụ trị giá 3,2 tỷ USD để mua lại công ty quản lý năng lượng Nest Labs, công ty chuyên cung cấp công cụ cho hệ thống điện lưới thông minh. Siemens cũng cạnh tranh với những công ty như Samsung trên thị trường thiết bị y tế.
Giống Google, nhiều công ty đang mua lại các công ty khác để tránh bị ảnh hưởng bới sự phát triển của công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực viễn thông, truyền thông và công nghệ.
Khoảng 561 tỷ USD đã được chi ra trong tất cả các thương vụ thâu tóm được công bố trong năm 2013, tăng 29% so với năm 2012, trong khi tổng số các giao dịch đã tăng 4%.
Một trong những thương vụ lớn nhất là Verizon bỏ ra 130 tỷ USD để mua lại cổ phần bộ phận không dây của Vodafone, phản ánh tiềm năng của công nghệ 4G di động. Verizon, nhà mạng di động lớn nhất của Mỹ, tuyên bố sẽ sử dụng toàn quyền kiểm soát để tăng lượng đầu tư cho dịch vụ 4G, dịch vụ có thể được bán với giá cao cho người dùng.
Công nghiệp quảng cáo
Một thương vụ lớn khác là vụ sáp nhập trị giá 30 Tỷ USD giữa Publicis SA và Omnicom Group. Thương vụ này sẽ tạo ra công ty quảng cáo lớn nhất thế giới với mục tiêu ngăn chặn những “gã khổng lồ” Thung lũng Silicon như Google và Facebook tiêu diệt các công nghiệp quảng cáo truyền thống.
Công nghệ mới có thể đe dọa cả những công ty vốn rất thành công trên thị trường. Máy in 3D (loại máy in sử dụng nhựa ép đùn hoặc kim loại để tạo ra những đồ vật phức tạp) có thể làm giảm nhu cầu mua một số loại hàng hóa và giảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ chuyển phát.
Theo số liệu của hãng tư vấn Wohlers Associates, doanh số của ngành công nghiệp in 3D sẽ đạt 6 tỷ USD vào năm 2017, so với 2,2 tỷ USD trong năm 2012. Sự tăng trưởng này khiến công ty chuyển phát nhanh United Parcel Service (Mỹ) quyết định cung cấp dịch vụ in 3D tại một số cửa hàng của họ.
Theo các nhà đầu tư mạo hiểm, máy in 3D cũng có thể đe dọa các nhà cung cấp linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô và hàng không vũ trụ nếu các nhà sản xuất muôn tự sản xuất linh kiện.
Ngành công nghiệp tài chính cũng đối mặt với nguy cơ bị gián đoạn vì các mô hình thanh toán và cho vay kiểu mới làm giảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ truyền thống. Ví dụ, Alibaba, hãng thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, đã bắt đầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn. Trong tương lai, điều này có thể sẽ đe dọa hoạt động của các ngân hàng.
Rửa tiền
Ở mức độ nào đó, các quy định quản lý sẽ bảo vệ hoạt động kinh doanh hiện có của các ngân hàng. Trung Quốc và Đan Mạch đã thắt chặt những quy định về tiền ảo Bitcoin do lo ngại về nạn rửa tiền. Tại Mỹ, các chính trị gia như Thượng nghị sĩ Tom Carper và Tom Coburn đã đề nghị các cơ quan quản lý đặt ra kế hoạch về tiền ảo.
Tuy nhiên, về tổng thể, sự cạnh tranh mạnh mẽ liên quan tới công nghệ đang khiến các hãng lớn gặp khó khăn hơn trong việc đổi mới, theo lời Reinhard Ploss, tổng giám đốc của hãng sản xuất chất bán dẫn Infineon Technologies AG. Ông này nói: “Khi thị trường của chúng tôi còn non trẻ, thật dễ để va chạm với công nghệ mới. Giờ đây, việc đó ngày càng khó khăn”.
Intel, dẫn đầu thị trường về chất bán dẫn, đang nỗ lực đặc biệt để tìm ra một mô hình kinh doanh mới khi nhu cầu mua máy tính cá nhân tiếp tục giảm trong năm thứ ba liên tiếp. Để tiếp tục dẫn trước, Intel đã bổ nhiệm một nhà cựu điều hành của Apple làm lãnh đạo bộ phận Thiết bị mới của công ty này, bộ phận đang tìm cách phát triển những thiết bị đeo trên người và thiết bị ngoại vi cho smartphone và tablet.
Bình luận (0)