Thoát chết vì say nóng dưới hầm mỏ

Văn Thành

23/06/2025 09:40 GMT+7

Làm việc trong lò khai thác nhiều giờ giữa thời tiết oi bức, nam công nhân 42 tuổi nhập viện cấp cứu vì say nóng nặng, may mắn được cứu sống kịp thời.

Bệnh nhân được theo dõi tại bệnh viện.

Bệnh nhân được theo dõi tại bệnh viện.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) tiếp nhận nam bệnh nhân 42 tuổi, trú tại thành phố Cẩm Phả, nhập viện trong tình trạng kiệt sức sau nhiều giờ lao động dưới hầm mỏ trong điều kiện nắng nóng cực đoan.

Gia đình cho biết, bệnh nhân là thợ khai thác đá, có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn, nôn, chuột rút và co quắp tay chân sau khi làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, ra nhiều mồ hôi.

Tại bệnh viện, qua khám lâm sàng và xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị say nóng cấp tính, kèm rối loạn điện giải nặng - một tình trạng có thể gây suy tuần hoàn, tổn thương đa cơ quan và đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.

Nhờ được cấp cứu và điều trị tích cực tại Khoa Nội - Lão khoa, bệnh nhân phục hồi nhanh và đã được xuất viện.

Say nóng - say nắng: Hiểm họa tiềm ẩn trong mùa hè

Say nóng và say nắng là rối loạn điều hòa thân nhiệt do tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, đặc biệt trong môi trường làm việc kín, không thông gió hoặc dưới ánh nắng gay gắt. Cơ thể mất nước và điện giải nhanh chóng, dẫn đến mệt lả, nhức đầu, tim đập nhanh, buồn nôn và rối loạn tri giác.

Nếu không được xử trí đúng cách, người bệnh có thể rơi vào trạng thái nguy kịch như mất ý thức, co giật, trụy tim mạch, suy đa cơ quan và thậm chí tử vong.

Hướng dẫn sơ cứu ban đầu khi gặp người bị say nóng, say nắng

Đưa nạn nhân đến nơi thoáng mát, có quạt hoặc điều hòa.

Nới lỏng quần áo, đặt nằm nghiêng để tránh sặc khi nôn.

Chườm mát vùng trán, cổ, nách và bẹn bằng khăn ướt.

Cho uống từng ngụm nước mát hoặc Oresol nếu còn tỉnh.

Nếu không cải thiện sau 15-20 phút, cần đưa đến bệnh viện gần nhất.

6 nguyên tắc phòng ngừa say nóng, say nắng

Uống đủ nước: Duy trì lượng nước ổn định mỗi ngày, kể cả khi chưa khát. Ưu tiên nước lọc, Oresol, nước trái cây.

Mặc trang phục phù hợp: Áo rộng, sáng màu, vải thoáng; đội mũ rộng vành khi ra nắng.

Mang theo khăn lạnh để chườm cổ, trán khi thấy mệt.

Tránh làm việc dưới nắng gắt (10h - 16h) hoặc chia nhỏ ca làm, có nghỉ xen kẽ.

Ở nơi thông thoáng, bật quạt hoặc điều hòa khi cần thiết.

Tăng cường thực phẩm giúp giải nhiệt như dưa hấu, bí đao, rau má, cam, chanh...

Những người làm việc nặng nhọc ngoài trời cần được bố trí thời gian nghỉ ngơi hợp lý - ít nhất 15-20 phút mỗi giờ làm việc liên tục để cơ thể có thời gian hồi phục và tránh sốc nhiệt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.