Việc phát hiện được thực hiện thông qua các mẫu nước thải ở thành phố Lae và mẫu môi trường tại thủ đô Port Moresby. Đây là lần tái xuất hiếm gặp của bệnh truyền nhiễm từng được kiểm soát tại nhiều khu vực trên thế giới.
Các xét nghiệm bổ sung do WHO phối hợp với Bộ Y tế PNG, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các cơ quan y tế địa phương thực hiện, đã xác nhận hai trẻ em khỏe mạnh tại Lae nhiễm virus. Phân tích trình tự gene cho thấy chủng virus có liên quan đến một ca bại liệt từng được phát hiện ở Indonesia.
Theo WHO, virus bại liệt hoang dại tuýp 2 đã bị loại trừ từ năm 1999, còn tuýp 3 được xóa sổ vào năm 2020. Tính đến năm 2022, chỉ còn Pakistan và Afghanistan là hai quốc gia còn lưu hành virus tuýp 1. Do đó, đợt bùng phát mới tại PNG được cho là có liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng thấp và khả năng lây lan cao của virus.
WHO và UNICEF đã triển khai giám sát diện rộng các trường hợp liệt mềm cấp tính và thực hiện chương trình tiêm chủng ba giai đoạn nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan, đặc biệt trong nhóm trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Bà Linda Selvey, chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Queensland (Australia), nhận định nguy cơ virus lây sang Australia là "khá thấp", nhưng cảnh báo một số khu vực như Eo biển Torres có thể đối mặt nguy cơ cao hơn do điều kiện y tế và nhà ở còn hạn chế.
Australia hiện đang phối hợp với PNG, WHO và UNICEF triển khai chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp. Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) cho biết nước này đang hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Kế hoạch Ứng phó Bại liệt Quốc gia của PNG, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong khu vực.
Bình luận (0)