Vận hành nhà máy thu hồi và tích trữ CO2 đầu tiên trên thế giới

Theo TTXVN

03/10/2014 16:27 GMT+7

Công ty Điện lực SaskPower của Canada đã tổ chức lễ khánh thành dự án thí điểm nhà máy thu hồi và tích trữ khí carbon dioxide (CO2) quy mô lớn đầu tiên trên thế giới.

Nhà máy trên được xây dựng tại một nhà máy sản xuất điện từ than đá của Sask Power ở Estevan, tỉnh Saskatchewan, miền Tây Canada.

Tuyên bố tại lễ khánh thành ngày 2/10, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Maria van der Hoeven cho biết việc nhà máy trên đi vào hoạt động đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển các công nghệ về thu hồi và tích trữ CO2, cho thấy nỗ lực của Canada trong việc giảm bớt lượng khí độc hại này. Theo quan chức này, những công nghệ mới trên cho phép thu hồi CO2 từ việc đốt cháy nhiên liệu hoặc qua các quy trình sản xuất công nghiệp và tích trữ loại khí này dưới lòng đất. IEA cũng dự báo đến năm 2050, quy trình này sẽ góp phần cắt giảm 1/6 lượng khí thải ô nhiễm trên toàn cầu.

Giới quan sát đánh giá nếu thành công, dự án mới trị giá 1,25 tỷ USD này sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với việc sử dụng than đá giá rẻ để sản xuất điện trong bối cảnh nhiều quốc gia cho đóng cửa các nhà máy điện, nguồn khí thải chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.

Công ty SaskPower hiện có 3 nhà máy sản xuất điện từ than đá và đây cũng là những nhà máy đã thải ra 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Với dự án trên, SaskPower ước tính sẽ thu hồi khoảng 1 triệu tấn khí CO2 mỗi năm, tương đương với việc thu hồi 250.000 xe hơi đang lưu thông. Hiện một số dự án tương tự cũng đang được triển khai tại một số khu vực khác ở Canada cũng như ở Mỹ, Saudi Arabia và Australia.

 

 

Tin liên quan

Cháy rừng từ Indonesia gây ô nhiễm không khí ở Singapore

Cháy rừng từ Indonesia gây ô nhiễm không khí ở Singapore

Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) ngày 15/9 thông báo tình trạng ô nhiễm không khí tại quốc đảo này đã tăng đến mức có hại cho sức khỏe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.