Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay 15/5 để tham gia các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Nga, trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối tham dự, làm dấy lên nhiều nghi vấn về thiện chí đàm phán của Moscow.
Theo các nguồn tin quốc tế, chuyên cơ chở ông Zelensky đã hạ cánh xuống sân bay thủ đô Ankara, nơi nhà lãnh đạo Ukraine dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước khi tiến tới các cuộc thảo luận với phái đoàn Nga tại Istanbul.
Phát biểu ngay tại sân bay, ông Zelensky nhấn mạnh Ukraine mang đến một phái đoàn "cấp cao nhất", bao gồm Ngoại trưởng Andrii Sybiha, các đại diện quân sự, cố vấn từ Văn phòng Tổng thống và người đứng đầu tất cả các cơ quan tình báo.

Các phóng viên báo chí chờ bên ngoài Văn phòng Tổng thống để đưa tin về cuộc đàm phán hòa bình Nga -Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/5. (Ảnh: Getty Images)
Trái ngược với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía Ukraine, Nga chỉ cử một phái đoàn cấp kỹ thuật đến Istanbul, do trợ lý Tổng thống – ông Vladimir Medinsky dẫn đầu. Điện Kremlin xác nhận ông Putin sẽ không có mặt, và cũng không công bố cụ thể thành phần phái đoàn trong suốt hơn ba ngày trước đó, khiến dư luận quốc tế hoài nghi liệu đây có phải là một động thái câu giờ hay một chiến lược đàm phán mập mờ.
Nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Ukraine chia sẻ với báo Kyiv Independent rằng ông Zelensky sẽ căn cứ vào kết quả cuộc gặp với Tổng thống Erdogan để quyết định bước đi tiếp theo. "Chúng tôi cần biết phái đoàn Nga có thẩm quyền đến đâu, họ có quyền ra quyết định hay chỉ là những người làm nền", ông Zelensky nói. "Bởi ai cũng biết người thực sự đưa ra quyết định ở Nga là ai", ông ám chỉ rõ vai trò tối cao của Tổng thống Putin trong toàn bộ hệ thống quyền lực Nga, đồng thời chỉ trích phái đoàn Moscow là "giả hiệu".
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO nhưng duy trì quan hệ nồng ấm với cả Moscow lẫn Kiev, từng đóng vai trò trung gian quan trọng trong việc thiết lập Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hồi năm 2022 - thỏa thuận giúp vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen bất chấp chiến sự. Giới chức Ankara hiện tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ "mọi hình thức", bao gồm làm trung gian và tổ chức đàm phán để hướng tới hòa bình bền vững.
Trong khi đó, giới quan sát quốc tế cho rằng việc ông Putin né tránh đàm phán trực tiếp không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự thiếu cam kết từ phía Nga, mà còn là biểu hiện rõ nét của toan tính chính trị đối nội. Theo phân tích từ CNN, ông Putin có thể đánh giá rằng việc xuất hiện bên cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky trong một bức ảnh "ba bên" sẽ gây ra rủi ro lớn cho hình ảnh và uy tín trong nước, đặc biệt trong bối cảnh ông đang chuẩn bị cho các chiến dịch củng cố quyền lực sau khi tái đắc cử.

Tổng thống Zelensky có cuộc gặp chớp nhoáng với Tổng thống Trump bên lề tang lễ cố Giáo hoàng Francis tại Vatican, ngày 26/4/2025. (Ảnh: AP)
Tổng thống Trump, người cũng đang có chuyến công du tại khu vực Trung Đông, ban đầu bày tỏ sự thất vọng nhưng sau đó nói rằng ông không bất ngờ nếu ông Putin từ chối tham gia. Ông Trump thậm chí đã trì hoãn lịch trình thêm 24 giờ để xem liệu Nga có đổi ý hay không. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hy vọng về một cuộc gặp trực tiếp giữa ba nhà lãnh đạo đang mờ dần.
Giới phân tích cho rằng cả ông Zelensky và ông Trump đều đang đứng trước những quyết định khó khăn. Với ông Zelensky, việc ở lại Thổ Nhĩ Kỳ đủ lâu để thể hiện thiện chí đàm phán mà không bị coi là "chờ đợi". Nếu bác bỏ đề xuất của Nga vì cho rằng quá trễ và thiếu thực chất, ông có thể mất cơ hội thiết lập một kênh đàm phán mới, nhưng nếu tham gia, Ukraine sẽ phải đi lại từ đầu trên một tiến trình đã bế tắc suốt hơn ba tháng qua.
Về phía Mỹ, ông Trump đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn về việc thể hiện lập trường cứng rắn với Moscow. Tổng thống Nga Putin đã bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn 30 ngày và không chấp nhận bất kỳ hình thức đối thoại trực tiếp nào với ông Trump trong vai trò trung gian. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo về khả năng áp đặt "các lệnh trừng phạt quy mô lớn đối với Nga", và hiện tại, đây có thể là phương án phản ứng duy nhất còn lại cho Washington.
Bình luận (0)